“Sometimes to survive, we must become more than we’re programmed to be.” – Đây là câu mình nhớ nhất khi bước ra từ rạp chiếu phim “Robot Hoang Dã”. Giữa kỷ nguyên công nghệ, câu nói này không chỉ đơn giản là lời thoại của nhân vật trong phim, mà còn là bài học thực tế cho mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ chúng mình. Liệu những kiến thức, kỹ năng ta học được, ghi vào bộ nhớ của mình 18-22 năm qua có còn hữu dụng trong 5-10 hay 30-40 năm tới?

Image: a screenshot from The Wild Robot (Universal Pictures, 2024)

Những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của Máy Học (Machine Learning) và Trí Thông Minh Nhân Tạo (AI) đã khiến cả thế giới dậy sóng, với những cuộc tranh luận không hồi kết về việc liệu AI có "cướp" việc làm của con người hay không. Không chỉ trong ngành công nghệ, mà mọi ngành nghề đều lo lắng, từ công nhân đến nhân viên văn phòng, rằng họ có thể bị thay thế bởi máy móc hoặc các ứng dụng AI. Thực tế này không phải là điều mới mẻ, và có nhiều trường hợp trong quá khứ cho thấy xã hội luôn có phản ứng chống đối lại các phát minh mới.

Nhìn lại lịch sử, vào đầu thế kỷ 19, phong trào Luddites ở Anh và phong trào đập phá máy móc dệt vải ở Pháp là ví dụ tiêu biểu. Những người thợ dệt ở hai quốc gia này đã đập phá nhà xưởng, máy móc vì sợ rằng máy móc sẽ "cướp" đi công việc của họ. Cuối thế kỷ 19 ở Mỹ, công nhân ngành đường sắt cũng đã tổ chức các cuộc đình công khi họ cảm thấy máy móc và những tiến bộ công nghệ đang đe dọa công việc của họ. Đến khi xe hơi ra đời đầu thế kỷ 20 thì thợ thầy những ngành liên quan đến xe ngựa, rèn móng ngựa,... lại kịch liệt phản đối sự phát triển của công nghiệp này. Những năm 2000, công đoàn nhân viên ngân hàng từng phản đối sự xuất hiện của máy ATM vì lo ngại rằng chúng sẽ thay thế nhân viên giao dịch. Và trong một ví dụ hiện đại hơn, các tài xế taxi truyền thống tại nhiều quốc gia đã đình công để phản đối các nền tảng gọi xe như Uber, Lyft, và Grab, lo ngại công nghệ sẽ khiến họ mất việc.

Thế nhưng, bất kể sự phản kháng từ người lao động, xã hội vẫn phát triển. Công nghệ vẫn tiến bộ và giúp các công ty giảm chi phí sản xuất, vận hành hiệu quả hơn. Những công việc đòi hỏi kỹ năng đơn giản, dễ bị tự động hóa sẽ ngày càng ít đi và người lao động bắt buộc phải nâng cao tay nghề, học hỏi thêm kỹ năng mới nếu muốn giữ được chỗ đứng trong thị trường lao động. Nếu không chịu thay đổi và thích nghi, con người sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi.

Vậy chúng ta nên học gì để không bị tụt hậu? Đâu là điều cần nhất để đương đầu với đà phát triển vũ bão của công nghệ? Câu trả lời là cần trang bị cho mình growth mindset, hay còn gọi là tư duy phát triển. Một tư duy mở, sẵn sàng gỡ bỏ những kiến thức cũ để học hỏi cái mới (unlearn and relearn) là yếu tố cốt lõi để tồn tại và phát triển trong thế giới không ngừng thay đổi này.

Tư duy phát triển giúp chúng ta không chỉ học nhanh mà còn thích nghi với những kiến thức và kỹ năng mới, kể cả khi đó là AI hay các công nghệ tiên tiến nhất. AI có thể học nhanh và thực hiện nhiều công việc, nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là công cụ. Nó vẫn cần con người, cụ thể là chúng ta, để hướng dẫn và tối ưu hóa nhằm tạo ra những sản phẩm hoàn thiện nhất. AI không thể tự giải quyết hết mọi vấn đề nếu không có sự can thiệp của con người để tránh những sai sót "ngớ ngẩn" như hiện tượng “hallucinations” (ảo giác) hay các lỗi logic trong quá trình vận hành.

Một số cách để các bạn trẻ trau dồi Growth Mindset:

  1. Chấp nhận thử thách: Đừng ngại đương đầu với những thử thách và thất bại. Hãy xem mỗi thất bại là một bài học để trưởng thành và phát triển. Khi chúng ta dám thử, dám học từ thất bại, đó là lúc tư duy phát triển được nuôi dưỡng mạnh mẽ nhất.
  2. Học cách phản biện bản thân: Thay vì chỉ nhìn nhận từ một góc độ, hãy tập suy nghĩ đa chiều và tự phản biện những quan điểm của bản thân. Điều này giúp chúng ta mở rộng tư duy và sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới.
  3. Liên tục cập nhật kiến thức: Công nghệ thay đổi từng ngày, vì vậy chúng ta cần phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới. Theo dõi tin tức, tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc các buổi workshop về công nghệ sẽ giúp bạn không bị tụt hậu.
  4. Xây dựng mạng lưới học tập: Kết nối với những người có cùng chí hướng và đam mê học hỏi sẽ tạo động lực và cung cấp cho chúng ta cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm của người khác.
  5. Thực hành mindfulness và tư duy tích cực: Rèn luyện khả năng kiên nhẫn và tĩnh tâm giúp chúng ta không ngừng cải thiện tư duy và dễ dàng chấp nhận những thay đổi. Một tinh thần sẵn sàng, một tâm thế tích cực sẽ giúp chúng ta thích nghi và không ngừng phát triển.

Cuối cùng, tương lai nằm trong tay chúng ta. AI có thể là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, nhưng điều cốt lõi vẫn là sự phát triển của bản thân, là tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Chính sự linh hoạt và sẵn sàng thích nghi của tuổi trẻ sẽ là yếu tố giúp chúng ta vững vàng trong bất cứ thời đại nào, dù "cạnh tranh" với AI hay bất kỳ công nghệ nào khác trong tương lai.


Nếu thích, các bạn có thể đọc thêm bài mình viết cách đây 8 năm về growth mindset, hồi đó còn trẻ trung, cùng độ tuổi Gen Z bây giờ hihi: https://linhnganguyen.com/how-im-enjoying-my-life-part-2/