[Musicophilia] Chương 3: Sợ nhạc - Bệnh động kinh do âm nhạc
Ghi chú của người dịch: động kinh (epilepsy) là chứng bệnh bao gồm nhiều cơn (seizures). Có nhiều loại cơn khác nhau, ví dụ cơn lớn (grand mal), cơn toàn thể (generalized seizure), cơn khởi phát cục bộ (focal onset seizure) ,... với nhiều biểu hiện khác nhau như co giật (convulsion/clonic), vắng ý thức (absence), suy giảm ý thức (focal impaired awareness), vận động tự động (automatisms),... Mình quyết định dịch seizure là cơn giật kinh để phân biệt với chứng động kinh (epilepsy) và cơn co giật (convulsion/clonic), tham khảo tài liệu của BC Epilepsy Society, Vancouver, Candana tại đây.
Vào năm 1937 Macdonald Critchley, một nhà quan sát xuất sắc về các hội chứng thần kinh bất thường, đã mô tả mười một bệnh nhân mắc phải các cơn co giật động kinh do âm nhạc mà ông từng gặp, đồng thời mở rộng khảo sát cả các trường hợp do người khác báo cáo. Ông đặt tiêu đề cho bài viết tiên phong của mình là “Bệnh động kinh do Âm nhạc” (mặc dù ông cho hay mình thích dùng từ “giật do nhạc” (musicolepsia), ngắn hơn và dễ nghe hơn.
Một số bệnh nhân của Critchley có khiếu nhạc, một số thì không. Loại nhạc có thể kích động các cơn giật kinh của họ rất đa dạng tuỳ theo từng bệnh nhân. Người thì chỉ bị giật do mỗi nhạc cổ điển, người thì bị với các giai điệu “xưa cũ” hay “hồi tưởng”, trong khi một người thứ ba lại thấy “một giai điệu ngắt nghỉ liên tục là thứ nguy hiểm nhất trong âm nhạc đối với cô.” Một trong chính những người viết thư cho tôi thì chỉ bị giật kinh bởi “nhạc hiện đại, nhiều quãng nghịch” mà không bao giờ bị với nhạc cổ điển hay lãng mạn (không may là chồng cô lại say mê nhạc hiện đại, nhiều quãng nghịch). Critchley đã quan sát cách một vài bệnh nhân chỉ phản ứng với một số nhạc cụ hoặc tiếng ồn nhất định. (Một bệnh nhân trong số đó chỉ phản ứng với ‘những nốt trầm từ một nhạc khí bộ kèn đồng”; anh này từng là nhân viên đài phát thanh trên một tàu biển chở khách lớn, sau liên tục bị co giật bởi tiếng dàn nhạc, phải chuyển qua một con tàu nhỏ hơn không có dàn nhạc nào.) Một số bệnh nhân lại chỉ phản ứng với vài giai điệu hoặc ca khúc cụ thể.
Nổi bật nhất là trường hợp của một nhà phê bình âm nhạc nổi danh thế kỷ mười chín, Nikonov. Ông bị giật kinh lần đầu tiên tại buổi biểu diễn vở opera Nhà Tiên tri của Meyerbeer. Kể từ đó, ông càng lúc càng nhạy cảm hơn với âm nhạc, cho tới cuối cùng bất kỳ nhạc nào, dù có êm dịu tới đâu, cũng có thể khiến ông lên cơn co giật. (“Độc hơn tất thảy”, Critchley lưu ý, “là nhạc nền của Wagner, loại nhạc có cách xử lý âm thanh bế tắc, không thể thoát ra được.”) Cuối cùng, dẫu vô cùng thông thái và đam mê âm nhạc, Nikonov đành phải từ bỏ sự nghiệp và tránh mọi tiếp xúc với âm nhạc. Nếu ông nghe thấy một ban kèn đồng trên đường, ông sẽ bịt tai lại và chạy gấp đến lối vào nhà hay con ngõ gần nhất. Trong ông lớn dần một nỗi sợ thật sự, nỗi khiếp đảm âm nhạc mà ông đã miêu tả trong tập sách ngắn Nỗi sợ nhạc.
Vài năm trước, Critchley cũng từng xuất bản các bài báo về những cơn giật kinh bị kích động bởi các âm thanh không mang tính nhạc - thường là tiếng động đều đều, như ấm đun nước đang sôi, máy bay đang bay, hay máy móc đang chạy. Ông cho rằng trong một số trường hợp động kinh do âm nhạc, chỉ một đặc tính cụ thể của âm thanh đó là đã đủ tác dụng rồi (giống như anh nhân viên đài phát thanh không chịu đựng nổi tiếng kèn đồng trầm vậy). Nhưng ở những trường hợp khác, chính tác động cảm xúc của âm nhạc và có lẽ những liên kết của nó dường như lại quan trọng hơn.
Phân loại giật kinh do âm nhạc kích động cũng khá đa dạng. Một số bệnh nhân sẽ bị các cơn co giật toàn thể, ngã xuống, mất ý thức, cắn lưỡi, tiểu tiện không tự chủ; những người khác thì bị giật kinh nhẹ - những cơn “vắng ý thức” thoáng qua mà bạn bè họ hầu như không để ý thấy. Nhiều bệnh nhân lại gặp phải loại giật kinh thuỳ thái dương phức tạp, như một trong số các bệnh nhân của Critchley kể: “Tôi có cảm giác rằng mình đã từng trải qua tất cả chuyện này trước đây rồi, như thể tôi đang đi qua cùng một khung cảnh mà lần nào cũng như lần nào. Mọi người nhảy múa ở đằng kia. Tôi thì tin rằng mình đang ở trên một con thuyền. Cảnh tượng này không có liên hệ gì tới bất kỳ nơi chốn hay sự kiện có thật nào mà tôi nhớ được.”
Bệnh động kinh do âm nhạc xét về tổng thể là rất hiếm, nhưng Critchley tự hỏi không biết nó có phổ biến hơn ta thường nghĩ nhiều không. Ông nghĩ có lẽ nhiều người sẽ bắt đầu một cảm giác kỳ quặc, khó chịu, có khi đáng sợ khi họ nghe thấy một tiếng nhạc nhất định, nhưng ngay lập tức sẽ trốn chạy khỏi tiếng nhạc đó, tắt nhạc đi, hoặc là bịt tai lại để nó khỏi tiến triển thành một cơn giật kinh toàn thể. Do đó, ông tự hỏi liệu các hình thái chết yểu - formes frustes - của động kinh do âm nhạc có khá phổ biến hay không. (Chính tôi cũng có ấn tượng y như vậy, và tôi nghĩ rằng bệnh động kinh do hình ảnh cũng có các hình thái chết yểu formes frustes tương tự, khi ánh sáng nhấp nháy hay ánh sáng huỳnh quang có thể gây khó chịu dị thường nhưng không làm bùng phát một cơn giật kinh toàn thể.)
Làm việc tại một phòng khám động kinh, tôi đã gặp một số bệnh nhân lên cơn giật kinh khi nghe nhạc, một số khác lại có các tiền triệu âm nhạc báo trước cơn giật kinh sẽ tới - và thỉnh thoảng có người mắc đồng thời cả hai. Cả hai loại bệnh nhân này đều có nguy cơ giật kinh thuỳ thái dương, và hầu hết đều có bất thường ở thuỳ thái dương, xác định được bằng điện não đồ hay chụp não.
Trong số các bệnh nhân tôi gặp gần đây có G. G., một thanh niên khoẻ mạnh cho tới tháng Sáu năm 2005, khi anh bị bệnh viêm não do virus herpes tấn công dữ dội, bắt đầu bằng sốt cao và co giật toàn thân, tiếp đó là hôn mê và mất trí nhớ nghiêm trọng. Đáng chú ý là một năm sau đó, vấn đề mất trí nhớ của anh hầu như đã hết, nhưng anh vẫn cực kỳ dễ lên cơn giật kinh. Thi thoảng anh mới động kinh cơn lớn, còn thường xuyên hơn là các cơn giật kinh một phần phức tạp. Mới đầu tất cả các cơn co giật đều “tự phát”, nhưng vài tuần sau, hầu như chỉ khởi phát dưới tác động của những âm thanh “bất ngờ, âm lượng lớn ví dụ như còi xe cứu thương” và đặc biệt là âm nhạc. Đồng thời, G. G. còn trở nên vô cùng nhạy cảm với âm thanh, có thể nghe được những tiếng động rất nhẹ hoặc rất xa mà người khác không nghe được. Anh thích điều này và cảm giác thế giới âm thanh của mình “sống động hơn, rực rỡ hơn”. Nhưng anh cũng tự hỏi không biết nó có đóng vai trò gì trong việc anh giờ nhạy cảm với âm nhạc và âm thanh đến mức động kinh hay không.
Những cơn co giật của G. G. có thể bị kích động bởi nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ nhạc rock tới nhạc cổ điển (Lần đầu tiên tôi gặp anh, anh bật một khúc aria của Verdi trên điện thoại di động; sau khoảng nửa phút thì bản nhạc làm anh lên cơn giật kinh một phần phức tạp). Anh kể nhạc “lãng mạn” là dễ gây kích động nhất, đặc biệt là các bài hát của Frank Sinatra (“Ổng chạm đúng dây của tôi!”). Nhạc phải “giàu cảm xúc, liên tưởng, hoài niệm”, và hầu như lúc nào cũng là những bản anh biết từ hồi còn nhỏ hoặc thời thanh niên. Nhạc không cần phải to mới kích động giật kinh, nhạc êm dịu cũng hiệu quả y như vậy. Nhưng nếu đó là một nơi ồn ào, ngập ngụa trong nhạc thì anh gặp rắc rối nghiêm trọng, đến nỗi gần như lúc nào anh cũng phải đeo nút tai.
Các cơn giật kinh của anh bắt đầu bằng hoặc theo ngay sau một trạng thái đặc biệt, khi đó anh không tự chủ được, và gần như bị cưỡng bức phải tập trung hoặc lắng nghe chăm chú. Ở trạng thái này, âm nhạc dường như mạnh mẽ hơn, dâng trào, chiếm lấy anh. Anh không thể chặn lại tiến trình đó, không thể tắt nhạc đi hay tránh xa khỏi nó. Từ giây phút đấy, anh không còn duy trì được ý thức hay trí nhớ gì nữa, dù vẫn xảy ra nhiều vận động tự động do động kinh như thở hổn hển hay chép môi.
Đối với G. G., âm nhạc không chỉ kích thích co giật mà nó dường như còn đóng một phần quan trọng trong cơn giật kinh. (Có thể tưởng tượng ra cảnh) nhạc lan từ vị trí cảm nhận ban đầu đến các hệ thống thuỳ trán khác, rồi thỉnh thoảng lại sang vỏ não vận động như khi anh lên cơn giật kinh toàn thể. Những lúc đó, như thể chính bản thân tiếng nhạc gây kích thích đã biến đổi, đầu tiên chuyển thành một trải nghiệm tâm thần áp đảo anh, rồi tiếp đó thành một cơn giật kinh.
Một bệnh nhân khác tên Silvia N. đến gặp tôi vào cuối năm 2005. Bà N. đã mắc một rối loạn co giật hồi đầu những năm 30 tuổi. Một vài cơn giật kinh là loại cơn lớn, có co giật và mất ý thức hoàn toàn. Những cơn khác thì thuộc loại phức tạp hơn, đi kèm với sự nhân đôi ý thức. Đôi khi những cơn giật kinh của bà dường như là tự phát hoặc do căng thẳng, nhưng hầu hết là do phản ứng với âm nhạc. Một ngày nọ bà được tìm thấy bất tỉnh trên sàn, đang co giật. Việc cuối cùng bà nhớ mình đang làm là nghe đĩa CD các ca khúc vùng Naples yêu thích của mình. Mới đầu bà không nghĩ có gì nghiêm trọng, nhưng chẳng lâu sau khi lại lên cơn giật kinh giống vậy, cũng trong lúc bật mấy bài hát vùng Naples, bà bắt đầu tự hỏi liệu có mối quan hệ gì ở đây không. Bà thận trọng tự kiểm tra và phát hiện ra nghe những bài nhạc như thế, dù nhạc sống hay bản ghi âm, luôn làm trỗi dậy một cảm giác “khác thường” rồi ngay tiếp theo là một cơn giật kinh. Tuy nhiên, chẳng có bất kỳ loại nhạc nào khác có tác động tương tự.
Bà từng yêu những ca khúc vùng Naples, chúng gợi nhắc bà về tuổi thơ của mình. (“Những bài hát xưa cũ luôn vang lên trong nhà; gia đình tôi lúc nào cũng bật chúng”, bà kể). Bà thấy chúng “rất lãng mạn, giàu cảm xúc… thật ý nghĩa.” Nhưng giờ bà bắt đầu khiếp sợ bởi chúng kích động những cơn giật kinh ở bà. Bà đặc biệt lo sợ lễ cưới của những gia tộc lớn gốc Sicily mà bà cũng từng là thành viên, bởi vì các ca khúc đó sẽ được chơi ở các dịp ăn mừng và những buổi sum họp gia đình. Bà N. bảo: “Nếu ban nhạc bắt đầu chơi, tôi sẽ chạy ra ngoài. […] Tôi có khoảng chưa đầy nửa phút để trốn thoát khỏi đó.”
Bà N. thỉnh thoảng bị động kinh cơn lớn do phản ứng với các bài hát. Nhưng ở mức độ thường xuyên hơn, bà thường chỉ trải qua một thay đổi lạ về thời gian và ý thức. Những lúc đó, bà sẽ có một cảm giác hồi tưởng, cụ thể là cảm giác mình chỉ mới mười mấy tuổi hoặc sống lại những cảnh hồi đó (một vài cảnh có vẻ là ký ức, số khác rõ ràng là tưởng tượng). So sánh chúng với những giấc mơ ngủ, bà bảo bà cũng “tỉnh dậy” như từ một giấc mơ vậy. Nhưng trong cơn mê này bà vẫn giữ được ý thức ở mức độ nào đó, dù chẳng tự chủ được mấy. Chẳng hạn, bà có thể nghe được mọi người xung quanh đang nói chuyện gì, nhưng không thể đáp lại - một kiểu ý thức nhân đôi mà Hughlings Jackson gọi là “chứng song thị tâm thần”. Hầu hết các cơn giật kinh phức tạp của bà ám chỉ quá khứ, song có một lần, bà kể, “tôi thấy tương lai…Tôi lên tận trên kia, lên thiên đàng…Bà tôi mở cổng thiên đàng ra, nói: 'Chưa phải lúc đâu'. Và tôi lên cơn giật kinh.”
Hầu như lần nào bà N. cũng tránh được nhạc vùng Naples, nhưng rồi bà lại bắt đầu lên cơn giật kinh ngay cả khi không có nhạc. Các cơn càng ngày càng trầm trọng hơn, và rốt cuộc đã vượt tầm kiểm soát. Thuốc dần vô hiệu và đôi khi bà bị lên cơn nhiều lần một ngày, đến nỗi bà gần như không còn giữ được nếp sống hàng ngày nữa. Kết quả chụp MRI cho thấy có bất thường cả về giải phẫu và điện não ở thuỳ thái dương bên trái của bà (có lẽ do chấn thương đầu bà từng trải qua hồi mười mấy tuổi) và chỉ ra vùng gây giật kinh không ngừng nghỉ có liên quan đến bất thường này. Do đó, đầu năm 2003 bà được chữa trị bằng phẫu thuật não với thủ thuật mổ cắt bỏ một phần thuỳ thái dương.
Cuộc phẫu thuật đã loại bỏ không chỉ phần lớn các cơn giật kinh tự phát mà cả sự nhạy cảm đặc biệt cao độ với các ca khúc vùng Naples nữa. Bà phát hiện ra điều đó hoàn toàn tình cờ. “Sau phẫu thuật, tôi vẫn còn e sợ nghe các loại nhạc từng khiến tôi co giật. Nhưng rồi ngày nọ, tôi đang ở một bữa tiệc và họ bắt đầu chơi nhạc. Tôi chạy qua phòng khác và đóng cửa lại. Xong có người mở nửa… Tôi nghe thấy nó như ở xa lắm. Nó không làm khiến tôi khó chịu nhiều nữa, nên tôi cố gắng lắng nghe.” Tự hỏi không biết mình rốt cuộc cũng đã được chữa lành khỏi sự nhạy cảm với âm nhạc, bà N. về nhà (“ở đó an toàn hơn, bạn không đối diện với 500 người") và mở vài bài hát vùng Naples lên dàn âm thanh nổi. “Tôi vặn lên từng chút một cho tới khi tiếng thật to, và nó chẳng tác động gì tới tôi cả.”
Giờ đây bà N. đã không còn sợ nhạc nữa và có thể bật các ca khúc vùng Naples yêu thích mà không có vấn đề gì. Bà cũng dần không mắc các cơn giật kinh kỳ lạ, phức tạp, gợi nhớ chuyện xưa nữa. Có vẻ như cuộc phẫu thuật đã đặt dấu chấm hết cho cả hai loại giật kinh - như Macdonald Critchley có lẽ từng dự đoán.
Dĩ nhiên bà N. rất vui vì đã được chữa lành. Nhưng thi thoảng bà cũng nhung nhớ một vài trải nghiệm động kinh của mình. Chúng như “những cánh cổng thiên đàng” dẫn bà đến một nơi không hề giống với bất gì điều gì bà từng trải qua trong đời.