Ảnh bìa: binaural beats (giai điệu có chênh lệch về tần số giữa hai tai nghe) cũng tương tự như 2 khung hình đỏ và xanh lệch nhau nhẹ để tạo hiệu ứng lập thể ở các phim 3D.
Vào năm 1996, tôi bắt đầu thư từ qua lại với một nhà vật lý người Na-uy, Tiến sỹ Jorgen Jorgensen. Ông đã viết cho tôi kể rằng khả năng thưởng thức âm nhạc của ông đã thay đổi bất ngờ và triệt để khi ông mất toàn bộ thính lực bên tai phải sau phẫu thuật cắt bỏ khối u dây thần kinh thính giác. “Khả năng nhận biết các phẩm chất cụ thể của âm nhạc - cao độ, âm sắc - không thay đổi gì”, ông viết. “Tuy nhiên, việc tiếp nhận âm nhạc về mặt cảm xúc của tôi lại suy yếu. Nó nhạt nhẽo kỳ khôi và chỉ còn có hai chiều.” Cụ thể như nhạc của Mahler từng một thời làm ông “choáng váng”. Nhưng khi ông đến buổi hoà nhạc ngay sau ca phẫu thuật và nghe bản Giao hưởng số 7 của Mahler, nó nghe “đều đều nhạt nhẽo và thiếu sức sống một cách vô vọng.”
Sau đó sáu tháng hoặc hơn, ông bắt đầu thích nghi dần:
Tôi có được một hiệu ứng giả âm thanh nổi, mặc dù không được như xưa nhưng cũng bù đắp dư dả cho tôi. Nhạc không phải âm thanh nổi nhưng cũng rộng và dày giống y như cũ. Bởi vậy, trong khúc truy điệu mở đầu bản Giao hưởng số 5 của Mahler, ngay sau khi tiếng kèn trumpet báo hiệu về trường sâu u ám của cuộc diễu hành đưa tang - đoạn chơi cực mạnh của toàn bộ dàn nhạc, tôi gần như bị nhấc bổng khỏi ghế ngồi.
Tiến sỹ Jorgensen nói thêm: “Đây có thể là sự điều chỉnh tâm lý của chính tôi trước suy giảm (thính lực), [nhưng] não bộ của chúng ta là một nhạc cụ kỳ diệu. Các sợi thính lực có thể đã vắt chéo qua trong thể chai (corpus callosum: bó thần kinh dày, rộng, kết nối hai bán cầu đại não phải và trái - ND) để thu nhận tín hiệu từ tai trái vẫn đang hoạt động…Tôi cũng tin rằng tai trái của tôi tốt hơn so với mong đợi ở một người bảy mươi tuổi.”
Khi ta nghe nhạc, như Daniel Levitin từng viết, “ta thực ra đang tiếp nhận các thuộc tính hay ‘các chiều.’ (hay ‘các chiều kích’ - ND)” Trong số đó, theo ông gồm có âm thể, âm vực, âm sắc, cường độ, nhịp độ, nhịp điệu và contour (hướng toàn thể, lên xuống của giai điệu). Một người bị nói là mất nhạc năng khi khả năng tiếp nhận một vài hoặc toàn bộ các đặc tính này bị khiếm khuyết, nhưng theo nghĩa này thì Tiến sỹ Jorgensen không phải bị mất nhạc năng. Khả năng tiếp nhận của ông vẫn bình thường bên tai trái lành lặn.
Levitin tiếp tục kể về hai chiều kích khác của âm nhạc. Định vị không gian là “sự ghi nhận khoảng cách từ nguồn âm tới chỗ ta, đi kèm với độ rộng của căn phòng hay sảnh mở nhạc…nó giúp phân biệt độ rộng của giọng ca trong thính phòng lớn với tiếng hát trong phòng tắm”, ông viết. Và độ vang “có vai trò (thường bị đánh giá thấp) trong việc truyền cảm xúc và tạo ra một âm dễ chịu về tổng thể.
Chính những đặc tính này là thứ Tiến sỹ Jorgensen thiếu khi ông mất khả năng nghe âm thanh nổi. Khi đi nghe hoà nhạc, ông thấy nó thiếu độ rộng, độ đầy đặn, độ dày, độ cộng hưởng- và chính điều đó đã khiến âm nhạc trở nên “đều đều nhạt nhẽo và thiếu sức sống.”
Tôi bị ấn tượng bởi sự giống nhau ở đây với trải nghiệm của những người bị mất chức năng một bên mắt, đồng thời mất luôn khả năng nhìn thấy chiều sâu lập thể. Việc mất khả năng nhìn hình nổi (hình lập thể, hình 3D) có ảnh hưởng sâu rộng khôn lường, không chỉ gây trở ngại trong việc phán đoán độ sâu và khoảng cách, mà còn “làm bẹp” cả một thế giới trực quan, một sự san phẳng trong cả nhận thức và tình cảm. Những người mắc phải tình trạng này thường mô tả cảm giác “bị mất kết nối” và khó khăn trong việc liên hệ bản thân với những gì mình nhìn thấy không chỉ về mặt không gian mà cả về mặt tình cảm nữa. Nếu thị lực cả hai mắt quay trở lại, họ sẽ thấy sung sướng và nhẹ nhõm vô cùng, bởi thế giới một lần nữa lại giàu đẹp cả trong trực quan và cảm xúc. Dẫu vậy, dù cho thị lực hai mắt không hồi phục được, có thể vẫn sẽ có một sự thay đổi chậm rãi, một sự thích nghi tương tự như những gì Tiến sỹ Jorgensen mô tả - sự phát triển của một hiệu ứng giả lập thể (hay giả 3D - ND).
Cần phải nhấn mạnh từ “giả lập thể”. Việc ghi nhận lập thể thực sự, bằng trực quan hay thính giác đều phụ thuộc vào khả năng đánh giá độ sâu và khoảng cách (và các đặc tính tương tự như độ tròn, độ rộng, độ dày) của não bộ từ chênh lệch giữa thông tin truyền độc lập đến từ hai mắt hoặc hai tai. Đối với mắt thì đó là sai lệch về không gian, còn đối với tai thì là sai lệch về thời gian. Ở đây sự khác biệt là cực nhỏ; với thị giác thì sai lệch không gian chỉ chừng vài giây góc (hay giây cung, đơn vị đo góc, 1 giây góc tương đương 1/3600 độ); còn với thính giác thì sai lệch chỉ độ vài micro-giây (1 micro giây tương đương 1 phần triệu giây). Điều này cho phép một vài loài vật, đặc biệt là động vật săn mồi ban đêm như cú, có thể tạo dựng được bản đồ âm học thực của môi trường xung quanh. Con người chúng ta không đạt được đến mức đó, nhưng dù gì ta vẫn tận dụng sự chênh lệch giữa hai tai, không thua gì các tín hiệu trực quan, để định hướng bản thân, để phỏng đoán và định hình về những gì nằm quanh ta. Chính âm thanh lập thể đã cho phép người nghe hoà nhạc tận hưởng trọn vẹn độ phức tạp và tráng lệ về âm thanh của một dàn nhạc giao hưởng hay một dàn đồng ca, biểu diễn trong thính phòng được thiết kế để việc nghe nhạc được đầy đặn, tinh tế và ba-chiều đến mức tối đa. Đó là trải nghiệm mà ta cố gắng tái tạo bằng tai nghe đeo hai bên, dàn loa nổi, hay hệ thống âm thanh vòm. Ta có xu hướng coi nhẹ thế giới lập thể của mình, mà phải đến khi có rủi ro như của Tiến sỹ Jorgensen, ta mới đột ngột nhận rõ tầm quan trọng to lớn nhưng thường bị bỏ qua của việc có hai tai.
Không có ghi nhận lập thể thực sự nào xảy ra được nếu một người bị mất một mắt hoặc một tai. Nhưng như Tiến sỹ Jorgensen quan sát thấy, sự điều chỉnh hoặc thích nghi có thể diễn ra ở mức độ đáng kinh ngạc, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là khả năng đánh giá của một mắt hoặc một tai được cải thiện - việc tăng cường sử dụng các tín hiệu ghi nhận bằng một mắt hay một tai. Các tín hiệu ghi nhận bằng một mắt bao gồm góc nhìn, sự che khuất và thị sai chuyển động (hình ảnh của thế giới trực quan bị xê dịch khi ta di chuyển băng qua nó). Các tín hiệu ghi nhận bằng một tai cũng tương tự như vậy, mặc dù cũng có một số cơ chế đặc biệt chỉ riêng thính giác mới có. Sự khuếch tán âm thanh từ xa được ghi nhận bằng một tai cũng tốt như bằng hai tai, và hình dáng của tai ngoài, phần vành tai, cung cấp các thông tin giá trị về cả phương hướng và sự bất đối xứng của âm thanh đi đến tai.
Nếu một người bị mất khả năng nhìn lập thể hoặc nghe lập thể, họ phải tái hiệu chuẩn môi trường xung quanh, thế giới không gian quanh họ. Trong trường hợp đó, các chuyển động là cực kỳ quan trọng, thậm chí những chuyển động đầu tương đối nhỏ cũng rất giàu thông tin. Edward O. Wilson mô tả trong hồi ký của ông, cuốn Naturalist, về cách ông vẫn có khả năng đánh giá các khoảng cách và độ sâu rất chính xác dù ông đã bị mất một mắt từ thuở nhỏ. Khi gặp ông, tôi đã bị ấn tượng với hành vi gật đầu kỳ quặc của ông và nghĩ chắc đó là thói quen hoặc tật máy giật (một cử động không chủ ý được lặp lại nhiều lần - ND). Nhưng ông bảo không phải vậy, mà đó là một chiến thuật nhằm tạo các góc nhìn khác nhau cho con mắt còn lại của ông (tương tự như hai mắt sẽ có hai góc nhìn khác biệt). Ông cảm thấy việc này, cộng với trí nhớ về chiều sâu lập thể thực, có thể đem lại cho ông một dạng thay thế cho thị giác lập thể. Ông kể rằng mình đã tiếp thu các chuyển động đầu này sau khi quan sát các chuyển động tương tự ở động vật (như các loài chim và bò sát chẳng hạn), những loài có khoảng chồng hình rất nhỏ giữa các thị trường (visual fields - trường ảnh của mắt). Tiến sỹ Jorgensen chưa từng đề cập đến các chuyển động đầu tương tự ở bản thân (có lẽ chúng không được chuộng lắm ở thính phòng), nhưng những chuyển động như vậy có thể sẽ giúp một người tạo dựng được không gian âm thanh dày dặn hơn, đa dạng hơn.
Chú thích của người dịch: mỗi mắt sẽ có một thị trường (visual field), khoảng chồng hình (overlap) của hai thị trường chính là trường ảnh não bộ xử lý được thành hình nổi/hình lập thể/hình 3D. Overlap càng nhỏ thì tổng thị trường càng rộng. Các loài động vật ăn cỏ có mắt 2 bên như bồ câu, thỏ sẽ có khoảng chồng hình rất nhỏ, quan sát được góc rộng hơn (như thỏ là tới 360 độ), dễ thấy kẻ thù từ nhiều hướng. Các loài động vật săn mồi có 2 mắt phía trước như cú, người, chó mèo sẽ có khoảng chồng hình lớn, góc quan sát được hẹp hơn (như người là 180 độ) nhưng bù lại trường ảnh 3D rộng, dễ theo dõi 1 con mồi di chuyển từ xa.
Có những tín hiệu khác bắt nguồn từ bản chất phức tạp của âm thanh và nhịp thăng trầm của sóng âm khi chúng phản xạ lại từ các vật thể và bề mặt xung quanh chúng. Sự vang vọng như thế có thể cung cấp một lượng thông tin khổng lồ tới thậm chí chỉ một tai duy nhất, và như Daniel Levitin lưu ý, điều này có ý nghĩa thiết thực trong việc truyền đi cảm xúc và niềm vui. Chính bởi lý do này mà kỹ thuật âm thanh là một ngành khoa học và nghệ thuật quan trọng. Nếu một thính phòng hoặc giảng đường bị thiết kế tệ, âm thanh sẽ bị “giết”, các giọng nói và âm nhạc sẽ nghe như “chết rồi”. Qua hàng thế kỷ thử nghiệm, những người xây dựng nên các nhà thờ và các khán phòng đã trở nên cực kỳ tinh thông lão luyện trong việc khiến các toà nhà của họ hát lên.
Tiến sỹ Jorgensen bảo ông tin chiếc tai còn tốt của ông là “tốt hơn mong đợi từ một người bảy mươi tuổi”. Tai của một người, ốc tai của họ, không thể nào cải thiện khi người đó già đi, nhưng tự bản thân não bộ có thể cải thiện khả năng sử dụng bất kỳ thông tin thính giác nào nó có được, như Jacob L. đã minh chứng. Đây là sức mạnh của tính dẻo não bộ (cerebral plasticity). Có thật “các sợi thính giác có lẽ đã vắt chéo qua trong thể chai” hay không thì còn phải bàn cãi, nhưng gần như chắc chắn rằng đã có những thay đổi quan trọng trong não bộ ông khi ông thích nghi được với cuộc sống chỉ có một tai. Những liên kết mới có thể đã được tạo ra, những khu vực mới được vận dụng (và một kỹ thuật chụp não đủ tinh tế có lẽ sẽ chứng minh được những thay đổi đó). Bởi thị lực và thính lực thường bổ sung cho nhau và có xu hướng bù đắp cho nhau nếu một trong hai bị khiếm khuyết, cũng có khả năng là Tiến sỹ Jorgense, dù vô thức hay hữu thức, đã sử dụng thị giác và các dữ liệu hình ảnh để định vị vị trí các nhạc cụ trong dàn nhạc và các chiều kích, độ rộng và hình thái tổng thể của thính phòng, như là một cách để củng cố cảm nhận của mình về không gian âm thanh.
Nhận thức không bao giờ đơn thuần chỉ ở hiện tại - nó phải được vẽ nên dựa trên trải nghiệm trong quá khứ. Đây chính là lý do tại sao Gerald M. Edelman nói đến “hiện tại được nhớ đến”. Tất cả chúng ta đều có những ký ức chi tiết về cách mọi vật từng được trông thấy và nghe ra làm sao, và những ký ức này sẽ được hồi tưởng và pha trộn với mỗi một nhận thức mới. Những nhận thức như thế chắc phải đặc biệt mạnh mẽ ở một người cực kỳ hướng nhạc, một người quen đi nghe hoà nhạc như Tiến sỹ Jorgensen. Và để bổ sung cho nhận thức của một người, đặc biệt nếu dữ liệu đầu vào bị hạn chế, chắc hẳn các hình tượng (imagery) đã được vận dụng. Edelman đã viết: “Mỗi hành động nhận thức ở chừng mực nào đó là một hành động sáng tạo, và mỗi hành động ghi nhớ ở chừng mực nào đó là một hành động tưởng tượng”. Bằng cách này, trải nghiệm và kiến thức của não bộ sẽ được gọi lên, đồng thời với khả năng thích nghi và hồi phục của não. Điểm đáng chú ý trong trường hợp của Tiến sỹ Jorgensen là sau mất mát nghiêm trọng như thế, ít ra cũng có sự tái tạo chức năng đáng kể, đến mức hầu hết những gì tưởng đã mất đi vĩnh viễn thì nay lại trở về với ông. Dù quá trình tái tạo đó phải mất vài tháng, trái với mong đợi ban đầu, ông nay đã hồi phục được phần lớn những gì quan trọng nhất với mình: độ dày dặn, sự cộng hưởng và sức mạnh đầy xúc cảm của âm nhạc.
Chuyện của Tiến sỹ Jorgensen là chuyện đầu tiên tôi biết được về tác động của việc bất ngờ điếc một bên tai, nhưng từ khi ông viết thư cho tôi, tôi phát hiện ra trải nghiệm của ông không phải hiếm. Một người bạn của tôi, Howard Brandston, kể cho tôi nghe chuyện cách đây 20 năm anh bất ngờ bị chóng mặt, rồi tiếp đó bị mất thính lực bên tai phải gần như hoàn toàn. “Tôi vẫn có thể nghe được âm thanh bên đó, nhưng không thể sắp xếp lại các từ ngữ hay phân biệt được các âm độ khác nhau”. Anh nói tiếp:
Tuần sau đó tôi có vé đi nghe hoà nhạc nhưng phần trình diễn âm nhạc nghe nhạt nhẽo, thiếu sức sống và không còn chất hài hoà mà tôi từng yêu nữa. Ừ thì tôi vẫn có thể nhận ra tiếng nhạc, nhưng thay vì trải nghiệm một cảm xúc bay bổng như dự đoán, tôi lại trở nên buồn bã đến nỗi nước mắt cứ vậy trào ra.
Cũng có thêm các rắc rối khác nữa. Howard là một thợ săn nhiệt thành, và trong chuyến săn nai đầu tiền sau khi bị mất thính lực, anh phát hiện khả năng định vị âm thanh của mình đã bị sa sút nghiêm trọng:
Đứng bất động tuyệt đối, tôi có thể nghe tiếng chạy nhốn nháo của sóc chuột, tiếng sục sạo của sóc, nhưng khả năng chỉ điểm vị trí các âm thanh này trước đây tôi từng có thì nay đã mất. Tôi bắt đầu nhận ra rằng nếu muốn trở thành một thợ săn thành công, tôi phải học cách bù đắp cho khuyết tật về cảm giác này.
Sau nhiều tháng trời, Howard đã khám phá ra nhiều cách để bù đắp cho suy giảm thính lực một bên của anh. Anh sẽ xoay vòng giữa phân tích hiện trường bằng thị giác và thính giác, cố gắng hoà hai loại dữ liệu đầu vào lại với nhau. Anh bảo: “Sau một lúc, tôi không còn phải nhắm mắt nữa nếu tôi liên tục quét qua khung cảnh bằng cách di chuyển đầu mình theo chuyển động ngang từ bên này sang bên kia, kèm theo một chuyển động lên xuống dạng sóng rất nhẹ. Sau một thời gian, tôi bắt đầu thấy đủ thoải mái để tham gia lại trò chơi săn bắn nguy hiểm. Giờ đây tôi lại tìm kiếm những âm thanh quen thuộc với mình”.
Trong thính phòng, Howard đã học cách xoay đầu nhẹ, “như thể tôi đang nhìn các nhạc cụ được chơi lên vào khoảnh khắc đó - sang trái nhìn violins và hơi sang phải nhìn bass và bộ gõ.” Cùng với thị giác, xúc giác trở nên cốt yếu trong việc giúp anh tái cấu trúc cảm giác về không gian âm nhạc. Anh thử nghiệm với loa siêu trầm trong dàn âm thanh nổi của mình, mà theo lời anh là nó “khiến tôi nhận thức rõ nhất về bản chất vật lý sờ thấy được của những âm thanh tôi đang lắng nghe.” Trong căn phòng trưng cúp được thiết kế thành không gian hoàn hảo để nghe dàn âm thanh nổi cao cấp của mình, anh sẽ dùng sức mạnh từ chiếc loa siêu trầm để giúp anh “hệ thống hoá” các ký ức và hình tượng về âm thanh và không gian. Có lẽ tất cả chúng ta, một cách vô thức đều sử dụng các tín hiệu thị giác và xúc giác đồng thời với các tín hiệu thính giác để phác nên độ đầy đặn của nhận thức âm nhạc. Với những cách này và đương nhiên là nhiều điều tiết khác nữa, cả hữu thức và vô thức, Howard giờ đây đã có được hiệu ứng giả lập thể giống như Tiến sỹ Jorgensen, và anh đã có thể thưởng thức âm nhạc lại lần nữa.