[Musicophilia] Chương 1: Sét đánh ngang tai: Tình yêu bất ngờ với Âm nhạc (Phần 2)
Phần 1: https://linhnganguyen.com/musicophilia-chuong-1-phan-1/
Tôi chưa từng gặp ai khác có câu chuyện giống như của Tony Cicoria, nhưng thi thoảng tôi có bệnh nhân cũng bất ngờ yêu âm nhạc hay nghệ thuật như vậy, trong đó có Salimah M., một nhà nghiên cứu hóa học. Vào những năm đầu tuổi 40, Salimah bắt đầu có vài lần gặp “cảm giác lạ”, mỗi lần ngắn cỡ một phút đổ lại. Đôi khi cô cảm giác mình đang ở bãi biển mà cô từng biết tới, mặc dù đồng thời vẫn hoàn toàn ý thức được khung cảnh xung quanh ở thực tại và có thể tiếp tục nói chuyện, lái xe, hay làm bất kỳ việc gì mà cổ đang làm. Thi thoảng những tình tiết này còn đi kèm một “vị chua” trong miệng. Cô để ý thấy những sự cố lạ lùng này nhưng không nghĩ chúng có bất kỳ ý nghĩa gì về thần kinh. Chỉ đến khi bị một cơn động kinh toàn thể vào mùa hè năm 2003, cô mới đến gặp bác sỹ thần kinh và được chụp quét não, để lộ ra một khối u lớn trong thùy thái dương bên phải. Đây là nguyên nhân cho các tình tiết kỳ lạ cô gặp mà hoá ra là những cơn giật kinh thùy thái dương. Các bác sỹ cho rằng đây là khối u ác tính và cần được loại bỏ (mặc dù cũng có khả năng nó là u thần kinh đệm ít nhánh, thuộc bệnh lý có ác tính tương đối thấp). Salimah tự hỏi phải chăng mình đã bị nhận án tử. Cô sợ hãi về cuộc phẫu thuật và các hệ quả có thể xảy ra; cô và chồng mình đã được báo rằng có thể sẽ có vài “thay đổi tính cách” đi kèm. Nhưng vào ngày mổ, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, hầu hết khối u đã được loại bỏ, và sau một thời gian dưỡng bệnh, Salimah đã có thể quay lại với công việc là một nhà hóa học của mình.
Trước ca phẫu thuật, cô từng là một người khá kín đáo, lâu lâu lại bị phiền lòng hoặc bận tâm bởi những thứ lặt vặt như bụi hay sự không gọn gàng. Chồng cô kể rằng cô thi thoảng bị “ám ảnh” bởi những việc cần phải làm ở quanh nhà. Nhưng giờ đây, sau cuộc phẫu thuật, Salimah có vẻ không lo sợ bởi những thứ trong nhà như thế nữa. Cô đã trở thành “một chú mèo hạnh phúc”, nói theo từ ngữ kiểu đặc trưng của chồng cô (tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ). Cô là “một nhà vui-vẻ-học”, anh thừa nhận.
Sự phấn khởi mới lạ của Salimah hiển hiện rõ ràng ở chỗ làm. Cô đã làm việc ở đúng y một phòng thí nghiệm trong 15 năm và luôn được mến mộ vì sự thông minh và cống hiến của mình. Còn giờ đây, vừa chẳng đánh mất thế mạnh nào trong công việc, cô lại vừa có vẻ ấm áp hơn nhiều, thông cảm thực sự và quan tâm đến cuộc sống và cảm giác của đồng nghiệp. Theo lời của một đồng nghiệp, trước đây cô “thích riêng tư hơn nhiều”, thì giờ cô đã trở thành bạn tâm tình và tâm điểm giao lưu của cả phòng thí nghiệm.
Ở nhà cũng vậy, cô lột bỏ một phần tính cách thiên về công việc kiểu Mari Curie của mình đi. Cô cho phép mình có thời gian nghỉ ngơi khỏi những suy nghĩ, những đẳng thức, và trở nên hứng thú với với việc đi xem phim hay tiệc tùng, tập sống hưởng thụ một chút. Và một tình yêu mới, một đam mê mới, đã bước chân vào cuộc đời cô. Cô từng “hơi hơi có khiếu nhạc”, theo như từ ngữ của chính cổ, khi còn là một cô bé. Cô từng chơi dương cầm sơ sơ, nhưng âm nhạc chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của cô. Giờ thì khác. Cô mong ngóng được nghe nhạc, được đi đến các buổi hòa nhạc, được nghe nhạc cổ điển trên radio hay trên các đĩa CD. Cô có thể xúc động đến đến mê ly hay bật khóc bởi thứ âm nhạc trước đây từng “chẳng đem lại cảm xúc nào đặc biệt”. Cô đâm “nghiện” radio cô nghe trên xe khi lái đi làm. Một đồng nghiệp tình cờ vượt qua cô trên đường đến phòng thì nghiệm nói rằng nhạc trên radio của cô “to một cách đáng kinh ngạc” - anh có thể nghe thấy nó từ cách đó một phần tư dặm. Salimah, trong chiếc xe mui trần của cô, đã “giúp tiêu khiển nguyên cả xa lộ.”
Giống như Tony Cicoria, Salimah cho thấy một cuộc chuyển đổi ngoạn mục từ chỉ hơi hơi thích nhạc thành bị kích thích mãnh liệt bởi âm nhạc và liên tục cần có âm nhạc. Cả hai bọn họ còn có những thay đổi khác, chung chung hơn - một cơn sóng đa cảm dâng trào, như thể đủ loại cảm xúc đủ được kích thích hay giải thoát. Theo cách dùng từ của Salimah là “Tôi cảm thấy mình được tái sinh. Những gì xảy ra sau phẫn thuật đã thay đổi cái nhìn của tôi về cuộc sống, khiến tôi trân trọng từng phút giây cuộc đời.”
Một người có thể phát triển tình yêu âm nhạc “thuần khiết” mà không đồng thời thay đổi tính cách hoặc hành vi hay không?
Vào năm 2006 Rohrer, Smith, và Warren đã mô tả một trường hợp như thế trong bệnh án của một phụ nữ hơn 60 tuổi. Bà mắc các cơn giật kinh thùy thái dương khó chữa, vị trí ổ bệnh nằm ở thùy thái dương trái. Sau bảy năm mắc co giật, các cơn giật kinh của bà cuối cùng cũng được kiểm soát nhờ thuốc chống giật kinh lamotrigine (LTG). Trước khi bắt đầu dùng thuốc này, Rohrer và các đồng nghiệp của ông viết,
bà từng luôn hờ hững với âm nhạc, chưa bao giờ nghe nhạc vì thích hay tham dự các buổi hòa nhạc. Điều này trái ngược hẳn với chồng và con gái bà - họ chơi dương cầm và vĩ cầm. Bà chưa từng xúc động trớc dân ca Thái nghe được ở nhà và tại các sự kiện công chúng ở Bangkok. Sau khi chuyển đến sống ở vương quốc Anh, bà cũng chẳng động lòng với các dòng nhạc cổ điển và nhạc nhẹ Tây phương. Và dĩ nhiên, bà tiếp tục né tránh âm nhạc ở bất kỳ đâu có thể, và ghét ra mặt một số dòng nhạc nhất định (chẳng hạn bà sẽ đóng kín cửa để tránh nghe chồng mình chơi piano và cảm thấy đồng ca “làm mình bứt rứt khó chịu”).
Sự hờ hững với âm nhạc này thay đổi đột ngột khi bệnh nhân được cho dùng lamotrigine:
Trong mấy tuần kể từ khi bắt đầu dùng LTG, việc cảm thụ âm nhạc của bà đã thay đổi rõ rệt. Bà tìm kiếm các chương trình âm nhạc trên radio và ti vi, nghe các kênh nhạc cổ điển trên đài phát thanh nhiều giờ mỗi ngày và đòi đi coi hòa nhạc. Chồng bà đã mô tả cái cách bà ngồi “sững sờ” suốt vở La Traviata và trở nên phiền lòng khi các khán giả khác nói chuyện trong buổi biểu diễn. Giờ đây bà mô tả việc nghe nhạc cổ điển như một trải nghiệm cực kỳ dễ chịu và giàu cảm xúc. Bà không hát hay huýt sáo. Không có thay đổi nào khác được ghi nhận trong hành vi hay tính cách của bà. Không có bằng chứng về rối loạn tư duy, ảo giác hay tâm trạng xáo trộn.
Mặc dù Rohrer và đồng sự không thể chỉ ra cơ sở chính xác cho tình yêu âm nhạc ở bệnh nhân, họ đánh bạo đề xuất rằng; trong suốt những năm mắc chứng động kinh bất trị của mình, bà có thể đã phát triển một liên kết chức năng tăng cường giữa các hệ thống nhận thức ở các thùy thái dương với những phần tham gia vào các phản ứng cảm xúc của hệ viền. Liên kết này chỉ lộ ra khi các cơn giật kinh của bà được kiểm soát bằng thuốc. Vào thập niên 1970, David Bear gợi ý rằng sự liên kết quá mức giữa hệ thần kinh cảm giác và hệ viền có thể là cơ sở xuất hiện những cảm giác bất ngờ về nghệ thuật, tình dục, những điều huyền bí hay tôn giáo vẫn thỉnh thoảng xảy đến với người mắc chứng động kinh thùy thái dương. Phải chăng điều tương tự đã đến với Tony Cicoria?
• • •
Mùa xuân vừa rồi, Cicoria tham gia một chuyến dã ngoại âm nhạc mười ngày dành cho các nhạc công sinh viên, dân nghiệp dư có năng khiếu, và những tay chuyên nghiệp trẻ. Hội trại đồng thời là buổi giới thiệu của nghệ sỹ dương cầm Erica vander Linde Feidner - người chuyên môn tìm được chiếc piano hoàn hảo cho từng khách hàng. Tony vừa mua một trong số các piano của cô, một chiếc Bösendorfer lớn, mẫu độc nhất được chế tác ở Vienna. Cô nghĩ anh có bản năng phi thường khi chọn được chiếc dương cầm có chính xác âm thể mà anh muốn.
Cicoria nhận thấy rằng đó là thời điểm và nơi chốn thích hợp để trình diễn lần đầu trước công chúng với tư cách là một nhạc công. Anh chuẩn bị hai đoạn cho buổi hoà nhạc của mình: tình yêu đầu của anh, khúc Scherzo khung Si thứ của Chopin; và sáng tác đầu tiên của chính anh, được đặt tên là Rhapsody, Nhạc phẩm 1. Tất cả mọi người tham gia dã ngoại đều giật nảy trước phần biểu diễn và câu chuyện của anh. (Nhiều người chia sẻ tưởng tượng rằng họ có lẽ đã bị sét giáng trúng giống anh vậy). Erica kể anh ấy đã chơi với “đam mê cháy bỏng, nhiệt tâm vĩ đại”, nếu không phải là tài năng thiên bẩm thì kỹ năng của anh thực sự đáng ca ngợi, một sự điêu luyện kinh ngạc đối với người hầu như không có nền tảng âm nhạc mà bốn mơi hai tuổi mới tự học chơi đàn.
Bác sỹ Cicoria hỏi rốt cuộc tôi nghĩ gì về câu chuyện của anh ấy và tôi đã từng gặp phải chuyện gì tương tự bao giờ chưa. Tôi hỏi ngược lại anh nghĩ gì và diễn giải ra sao về những gì đã xảy ra với bản thân. Anh đáp rằng với tư cách là người làm y, anh không thể giải thích được những sự kiện này, và giờ đây anh đành phải nghĩ về chúng bằng ngôn ngữ “tâm linh”. Tôi phản bác: Không hề có ý bất kính với cõi tâm linh, nhưng tôi cảm thấy rằng ngay cả những trạng thái cao quý nhất của tâm thức, những chuyển đổi đáng kinh ngạc nhất, cũng phải có cơ sở vật lý, hoặc ít nhất là một số tương quan sinh lý với hoạt động thần kinh.
Vào thời điểm bị sét đánh, bác sỹ Cicoria đã có đồng thời cả trải niệm cận tử và trải nghiệm thoát xác. Nhiều cách giải thích siêu nhiên hay huyền bí đã rộ lên nhằm giải thích các trải nghiệm thoát xác. Thần kinh học cũng đã điều tra chủ đề này cả thế kỷ hoặc lâu hơn. Những trải nghiệm thoát xác có vẻ khá rập khuôn như sau: một người dường như không còn ở trong thân xác mình nữa mà ở bên ngoài nó, và phổ biến nhất là đang nhìn xuống chính mình từ khoảng tám đến chín feet từ trên cao (các nhà thần kinh học đề cập đến việc này như “tự quan sát mình”). Người đó dường như nhìn được rõ ràng căn phòng hay không gian xung quanh, những người khác và các vật thể gần đó, nhưng với góc nhìn từ trên cao. Họ thường mô tả các cảm giác như “đang trôi” hay “đang bay” trong không khí. Các trải nghiệm thoát xác có thể kích thích nỗi sợ, niềm vui sướng hay cảm giác bị tách rời, nhưng đều được mô tả là vô cùng “thật” - hoàn toàn không giống như một giấc mơ hay ảo giác. Các chi tiết này đã được ghi nhận trong rất nhiều thể loại trải nghiệm cận tử cũng như trong các cơn giật kinh thùy thái dương. Có một số bằng chứng cho thấy cả hai khía cạnh thị giác-không gian và thăng bằng của các trải nghiệm thoát xác đều có liên quan đến chức năng bị xáo trộn trong vỏ não, đặc biệt là tại vùng nối giữa thùy thái dương và thùy đỉnh.
Nhưng những gì bác sỹ Cicoria thuật lại không chỉ là một trải nghiệm thoát xác. Anh đã thấy một ánh sáng trắng ám xanh. Anh thấy con của mình, thấy cuộc đời anh lướt qua. Anh có một cảm giác ngây ngất, và trên tất cả, anh có cảm giác về một thứ gì đó ý nghĩa lớn lao và siêu việt. Cái gì có thể là cơ sở thần kinh cho điều này? Các trải nghiệm cận tử tương tự thường được mô tả bởi những người đã từng, hoặc tin rằng mình từng gặp nguy hiểm cực kỳ, hoặc là bị mắc vào những tai nạn bất ngờ, bị sét đánh trúng, hay phổ biến nhất là sống lại sau một cơn truỵ tim. Tất cả những trường hợp trên không chỉ đầy khiếp đảm mà khả năng cao đã gây sụt giảm huyết áp và dòng máu lên não đột ngột (và nếu bị truỵ tim thì sẽ hụt oxy lên não). Rất có thể đã có một cơn dâng trào tình cảm dữ dội cùng một làn sóng noradrenaline và các chất dẫn truyền thần kinh trong trạng thái đó, dù tác động là kinh hãi hay sung sướng. Dẫu vậy, chúng ta biết rất ít về các tương quan thần kinh thực sự của những trải nghiệm như thế. Nhưng những thay đổi đã xảy ra trong nhận thức và cảm xúc là cực kỳ rõ rệt và nhất định có liên quan đến những phần chi phối cảm xúc của não bộ (hạch hạnh nhân và các nhân cuống não) và vỏ não.
Các trải nghiệm thoát xác mang tính chất của một ảo ảnh tri giác (dẫu chỉ là một ảo ảnh đơn lẻ và phức tạp), trong khi các trải nghiệm cận tử lại có tất cả các đặc trưng của một trải nghiệm huyền bí, như William James định nghĩa - sự bị động, sự khó tả, tính nhất thời, và tính trừu tượng. Một người sẽ bị thâu tóm hoàn toàn bởi một trải nghiệm cận tử, bị cuốn bay trong một luồng ánh sáng (thi thoảng là một đường hầm hay một cái phễu ánh sáng), bị kéo về phía Cõi Trên - cuộc đời cõi trên, không gian và thời gian cõi trên. Có cảm giác như đấy là cái nhìn cuối cùng, một lời tạm biệt (bị thúc giục mạnh mẽ) với những gì thuộc về mặt đất, những nơi chốn, con người và sự kiện trong cuộc đời mình. Có một cảm giác ngất ngây hay thích thú khi một người bay lượn về phía đích đến của mình - biểu tượng nguyên mẫu của cái chết và sự biến hình (đầu thai). Những trải nghiệm như thế này không dễ gì bị chối bỏ bởi những người đã thực sự trải qua. Chúng đôi khi có thể dẫn tới sự chuyển đổi hay hối cải, một thay đổi trong tâm trí, làm thay đổi đường lối và định hướng cả một cuộc đời. Cũng như đối với các trải nghiệm thoát xác, không ai có thể giả định rằng những biến cố như thế chỉ là tưởng tượng thuần tuý; tất cả mọi người đều nhấn mạnh một số đặc tính vô cùng giống nhau. Các trải nghiệm cận tử chắc hẳn cũng có cơ sở khoa học thần kinh của riêng chúng; một cơ sở có thể biến đổi sâu sắc chính bản thân ý thức.
Việc có được khả năng âm nhạc đầy ấn tượng của bác sỹ Cicoria, tình yêu âm nhạc bất ngờ của anh ấy thì sao? Những bệnh nhân mắc phải tình trạng thoái hoá các vùng trước của não bộ, gọi là bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, đôi khi lại bất thình lình nảy sinh hay giải phóng các năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc, song song với việc đánh mất năng lực trừu tượng và ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng trường hợp bác sỹ Cicoria lại không phải như thế. Anh vẫn phát âm rõ và vô cùng tài năng ở mọi khía cạnh. Năm 1984, Daniel Jacome mô tả một bệnh nhân từng bị đột quỵ gây tổn thương bán cầu não trái và vì thế đã phát triển nên “sự tăng nhạc tính” hay “tình yêu âm nhạc”, đi kèm với tình trạng mất năng lực ngôn ngữ và các vấn đề khác. Nhưng không có bất kỳ điều gì cho thấy Tony Cicoria đã bị đột quỵ hay tổn thương não đáng kể, ngoại trừ sự xáo trộn trí nhớ rất ngắn ngủi trong một hay hai tuần ngay sau khi sét đánh.
Trường hợp của anh nhắc tôi nhớ một chút về Franco Magnani, người “nghệ sỹ trí nhớ” mà tôi đã từng viết về. Franco chưa bao giờ từng nghĩ tới việc trở thành một hoạ sỹ cho tới khi ông trải qua một cơn khủng khoảng hay một chứng bệnh kỳ lạ - có lẽ là một dạng động kinh thuỳ thái dương - khi ông ba mươi mốt tuổi. Ông có những giấc mơ hàng đêm về Pontito, ngôi làng nhỏ vùng Tuscany nơi ông được sinh ra; sau khi ông thức dậy, những hình ảnh này vẫn còn đọng lại sống động mãnh liệt, với đầy đủ chiều sâu và hiện thực (“như hình ba chiều”). Trong Franco thiêu đốt một nhu cầu phải biến những hình ảnh này thành hiện thực, phải vẽ chúng ra, và vậy là ông tự học vẽ, dâng hiến từng phút rảnh rỗi để sáng tác nên hàng trăm góc nhìn về Pontito.
Có thể nào cơn sét đánh trúng bác sỹ Cicoria đã kích hoạt khuynh hướng động kinh trong các thuỳ thái dương của anh? Đã có nhiều trường hợp khởi phát thiên hướng âm nhạc hay nghệ sỹ được nhận định là do các cơn giật kinh thuỳ thái dương. Những người mắc các cơn giật kinh này có lẽ cũng phát triển cả những cảm giác huyền bí hoặc tôn giáo mạnh mẽ như anh từng có. Nhưng rồi Cicoria cũng chẳng miêu tả bất kỳ điều gì giống như các cơn giật kinh cả, và rõ ràng là anh có kết quả điện não đồ bình thường sau biến cố này.
Tại sao lại có sự trì hoãn trong tiến trình phát triển tình yêu âm nhạc của Cicoria? Điều gì đã xảy ra trong sáu hay bảy tuần kéo dài giữa cơn truỵ tim của anh và sự bùng phát khả năng âm nhạc khá đột ngột? Ta biết rằng cú sét đánh đã để lại các hậu quả ngay lập tức: trải nghiệm thoát xác của anh, trải nghiệm cận tử của anh, trạng trái nhầm lẫn tiếp đó trong vài giờ, và sự xáo trộn trí nhớ kéo dài vài tuần. Những triệu chứng này có thể chỉ do tình trạng ngưng oxy não - bởi chắc bộ não của anh đã không nhận đủ oxy trong một phút hoặc hơn - mặc dù cũng có thể chính cú sét đã gây ra các ảnh hưởng trực tiếp lên não bộ. Tuy nhiên, ai đó có thể nghi ngờ rằng bác sỹ Cicoria trông thì có vẻ đã hồi phục rõ ràng vài tuần sau các biến cố này nhưng kỳ thực không phải vậy, và rằng có những dạng tổn thương não khác không được chú ý thấy, và rằng não của anh vẫn đang phản ứng lại với sự tấn công ban đầu và đang tự tổ chức lại trong suốt thời gian này.
Bác sỹ Cicoria cảm nhận rằng bây giờ anh là “một con người khác” - về âm nhạc, cảm xúc, tâm lý và tâm linh. Tôi cũng có ấn tượng như thế, khi tôi lắng nghe câu chuyện của anh và nhận thấy điều gì đó trong những đam mê mới đã biến đổi anh. Quan sát anh từ góc độ thần kinh học, tôi cảm nhận rằng não bộ của anh giờ hẳn phải rất khác so với trước khi anh bị sét đánh hay với những ngày ngay sau đó khi các kiểm tra thần kinh học cho thấy không có gì quá sai lệch. Các thay đổi phỏng chừng đã xảy ra trong những tuần tiếp theo, khi não bộ anh tái tổ chức, và như thực tế cho thấy, nó chuẩn bị sẵn sàng cho tình yêu âm nhạc. Bây giờ, sau mười hai năm, chúng ta đã có thể cắt nghĩa được những thay đổi này, cắt nghĩa cơ sở về thần kinh học cho tình yêu âm nhạc của anh chưa? Đã có nhiều bài kiểm tra chức năng não mới và tinh vi hơn nhiều được phát triển kể từ khi Cicoria bị thương năm 1994, và anh cũng đồng ý rằng tiếp tục điều tra vấn đề này cũng thú vị đấy. Nhưng rồi một lúc sau, anh cân nhắc lại và nói rằng có lẽ tốt nhất là cứ để mọi thứ như vậy thôi. Trường hợp của anh là vận may đánh trúng, và âm nhạc, dù cho đã tới bằng cách nào, cũng là một phúc lành, một cái duyên không phải bàn cãi nữa.