Tony Cicoria 42 tuổi, rất mạnh khỏe và tráng kiện, là cựu tuyển thủ bóng đá thời đại học và sau trở thành một bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng ở một thành phố nhỏ mạn trên bang New York. Vào một buổi chiều mùa thu, anh đang ở gian nhà ven hồ cho buổi sum họp gia đình. Trời dễ chịu và có gió hiu hiu, nhưng anh để ý thấy vài đám mây giông ở phía đằng xa; trời có vẻ sắp mưa.

Anh đi tới cây điện thoại trả trước nằm phía ngoài gian nhà để gọi một cuộc ngắn gọn cho mẹ (lúc đó là năm 1994, trước thời đại của điện thoại di động). Anh vẫn còn nhớ từng giây những gì diễn ra tiếp đó: “Tôi đang nói chuyện với mẹ mình trên điện thoại.  Trời mưa lắc rắc, tiếng sấm rền ở phía xa. Rồi mẹ tôi cúp máy. Cái điện thoại cách chỗ tôi đứng khoảng 1 foot (khoảng 0,3m) khi tôi bị đánh trúng. Tôi còn nhớ có một chớp sáng lóe lên từ điện thoại, đánh thẳng vào mặt tôi. Điều tiếp theo tôi nhớ được là mình đang bay giật lùi.”

Sau đó - anh dường như ngại ngần trước khi kể với tôi điều này - “Tôi đang bay về phía trước. Bối rối. Tôi nhìn quanh. Tôi thấy thân xác của chính mình trên mặt đất. Tôi tự bảo, ‘Khốn thật, mình chết rồi.’ Tôi thấy người ta túm tụm lại quanh cái xác. Tôi thấy một người phụ nữ - nãy mới đứng ngay sau lưng tôi để chờ dùng điện thoại - đang chồm người trên xác tôi, hồi sức tim phổi cho nó. Tôi lơ lửng trên những bậc thang - ý thức của tôi theo sau. Tôi thấy những đứa con của mình và nhận ra là chúng sẽ ổn thôi. Sau đó tôi bị bao quanh bởi một thứ ánh sáng màu trắng ánh xanh, một cảm giác bao la của hạnh phúc và bình yên. Tôi chạy đua qua những đỉnh cao và những điểm đáy của cuộc đời mình. Chúng không gợi lên cảm xúc gì cả… chỉ đơn thuần là suy nghĩ, đơn thuần là hưng phấn. Tôi nhận thức mình đang đi nhanh hơn, bị kéo lên phía trên… có tốc độ và phương hướng. Tiếp đó, khi tôi đang nói với bản thân mình, “Đây là cảm giác đỉnh nhất mình từng có” - thì SẦM! Tôi đã trở lại.”

Bác sỹ Cicoria biết anh đã trở lại với thân xác của chính mình bởi vì anh bị đau - cơn đau từ những vết bỏng trên mặt và chân trái, nơi dòng điện đi vào và ra khỏi cơ thể anh - và anh nhận ra, “chỉ thân xác mới có đau đớn.” Anh muốn quay lại như lúc nãy, anh muốn bảo người phụ nữ kia ngừng làm hồi sức tim phổi cho anh, để anh ra đi; nhưng lúc đó đã quá trễ - anh đã đặt chân vững vàng trở lại vào cõi sống.  Sau đó một hay hai phút, khi có thể nói năng được, anh bảo, “Ổn rồi - Tôi là bác sỹ!” Người phụ nữ (hóa ra là y tá đơn vị chăm sóc tích cực) đáp lời, “Một vài phút trước đây thì anh không phải là bác sỹ đâu.”

Cảnh sát đến và muốn gọi xe cấp cứu, nhưng Cicoria từ chối, làm loạn cả lên. Thay vào đó, (“phải tốn tới mấy tiếng đồng hồ”) họ mới đưa anh về nhà, nơi anh gọi bác sỹ riêng, một bác sỹ tim mạch. Khi thấy anh, bác sỹ tim mạch nghĩ Cicoria nhất định đã bị một cơn truỵ tim nhẹ, nhưng lại không thể tìm thấy gì tổn thương qua thăm khám hay điện tâm đồ. “Với những thứ thế này, anh hoặc là sống, hoặc là chết,” bác sỹ tim nhấn mạnh.  Ông không cảm thấy rằng bác sỹ Cicoria sẽ phải chịu đựng bất kỳ hệ quả nào nữa từ vụ tai nạn kỳ lạ này.

Cicoria cũng tham vấn một nhà thần kinh học. Anh cảm thấy bị uể oải (đặc biệt khác thường với anh) và gặp một vài khó khăn với trí nhớ. Anh phát hiện mình quên mất tên những người anh từng biết rõ. Anh được kiểm tra về thần kinh, làm điện não đồ và chụp cộng hưởng từ. Một lần nữa, dường như không có gì hỏng hóc cả.

Vài tuần sau đó, khi năng lượng của anh đã trở lại, bác sỹ Cicoria quay lại làm việc. Dù vài vấn đề về trí nhớ vẫn còn rơi rớt - anh thi thoảng vẫn quên tên của một vài căn bệnh hiếm hoặc các quy trình phẫu thuật - nhưng toàn bộ các kỹ năng phẫu thuật của anh không hề hấn gì. Trong hai tuần tiếp theo, các vấn đề về trí nhớ của anh biến mất, và thế là, anh nghĩ, mọi chuyện kết thúc ở đây.

Những gì xảy ra tiếp theo vẫn còn khiến Cicoria đầy kinh ngạc, cho đến tận bây giờ, 12 năm sau. Cuộc sống có vẻ đã quay trở lại bình thường, thì “đùng một cái, trong hai hay ba ngày, tôi thèm nghe nhạc piano không chịu nổi.” Chuyện này hoàn toàn chẳng dính dáng đến bất kỳ điều gì trong quá khứ của anh. Anh từng học dương cầm vài buổi hồi còn nhỏ, anh nói, “nhưng không thật sự có hứng thú.” Anh không có chiếc dương cầm nào trong nhà. Thể loại anh từng nghe đa số là nhạc rock.

Khi cơn thèm nghe nhạc piano bất ngờ trỗi dậy, anh bắt đầu mua các bản thu âm và bị lôi cuốn đặc biệt bởi bản thu Tuyển tập Chopin của Vladimir Ashkenazy gồm có: Polonaise Quân binh, khúc luyện Gió Mùa Đông, khúc luyện Chìa khóa đen, Polonaise khung La giáng trưởng, khúc Scherzo khung Si thứ.  “Tôi yêu chúng tất”, Cicoria bảo. “Tôi có một ham muốn được chơi chúng lên. Tôi đặt mua hết các bản nhạc (sheet music). Thời gian đó, một trong những người trông trẻ của chúng tôi hỏi rằng liệu cô ấy có thể đặt đàn dương cầm của cổ ở nhà chúng tôi không. Nên giờ đây, đúng lúc tôi muốn thì đàn đến, một chiếc piano đứng nhỏ nhắn dễ thương. Nó hợp với tôi. Tôi chẳng đọc được được nhạc, cũng chẳng chơi được mấy, nhưng tôi bắt đầu tự học.” Đã hơn 30 năm kể từ vài bài học piano hồi anh còn là cậu bé. Những ngón tay của anh dường như cứng đơ và kỳ kỳ.

Và rồi, nối gót ham muốn nghe nhạc piano bất thình lình này, Cicoria bắt đầu nghe thấy nhạc trong đầu mình.  “Lần đầu tiên”, anh kể, “đó là trong một giấc mơ. Tôi trong bộ vét dạ hội, đứng trên sân khấu; tôi đang chơi cái gì đó mà tôi đã sáng tác. Tôi tỉnh dậy, giật mình, và thứ nhạc đó vẫn còn trong đầu tôi. Tôi nhảy ra khỏi giường, bắt đầu cố gắng ghi lại càng nhiều càng tốt những gì tôi có thể nhớ được.  Nhưng tôi chẳng biết ký âm những gì tôi đã nghe.” Việc này không thành công lắm - anh chưa bao giờ từng cố gắng viết hay ký âm trước đây. Nhưng mỗi khi anh ngồi xuống cây dương cầm để chơi nhạc Chopin, nhạc của chính anh “sẽ đến và chiếm chỗ trong tôi. Nó hiện diện mạnh mẽ vô cùng.”

Tôi không chắc mình nên hiểu thế nào về thứ âm nhạc cưỡng bách này, nó xâm nhập một cách gần như không chống cự được và làm anh choáng ngợp.  Có phải anh đang gặp các ảo giác âm nhạc không? Không, bác sỹ Cicoria nói, chúng không phải là các ảo giác - dùng từ “cảm hứng” thì thích hợp hơn. Âm nhạc đã ở đó, tận sâu trong anh - hay đâu đó khác - và tất cả những gì anh phải làm là để nó đến mới mình. “Nó giống như là một tần số, một dải sóng radio. Nếu tôi mở lòng mình là nó đến. Ý tôi là, ‘Nó đến từ thiên đàng,’ như Mozart từng nói vậy.”

Âm nhạc của anh không ngừng nghỉ. “Nó không bao giờ khô cạn,” anh tiếp lời. “Có chăng là tôi phải tắt nó đi.”

Giờ đây anh phải đánh vật không chỉ với việc học chơi nhạc Chopin, mà còn phải định hình được thứ nhạc chạy không ngừng nghỉ trong đầu, thử chơi nó trên piano, viết nó lên bản thảo. “Đó là một cuộc vật lộn tồi tệ,” anh kể. “Tôi sẽ thức dậy từ 4h sáng và chơi cho tới khi tôi đi làm, và khi về đến nhà từ chỗ làm tôi sẽ ở cạnh cây dương cầm cả tối.  Vợ tôi không lấy làm vui lắm. Tôi bị ếm bùa rồi.”

Cicoria từng là một người đàn ông dành cho gia đình, dễ tính, thân ái, hầu như bàng quang với âm nhạc. Vào tháng thứ ba sau khi bị sét đánh, anh được truyền cảm hứng,  thậm chí là bị ám ảnh bởi âm nhạc và hiếm khi có thời gian cho việc gì khác nữa. Bắt đầu lóe lên trong tâm trí anh rằng có lẽ anh được “cứu sống” cho một nguyên do đặc biệt. “Tôi bắt đầu nghĩ”, anh bảo, “rằng lý do duy nhất mà tôi được phép sống sót là âm nhạc.” Tôi hỏi anh ấy liệu anh có phải là một người có đức tin trước khi sét đánh không.  Anh kể rằng mình đã được nuôi lớn là người Công giáo nhưng chưa bao giờ thực sự sùng đạo; anh cũng có một vài niềm tin “dị giáo” nữa, chẳng hạn như về chuyển kiếp luân hồi.

Anh dần nghĩ bản thân anh kiểu như đã đầu thai, được chuyển hóa và trao tặng một năng lực đặc biệt, một nhiệm vụ để “bắt đài” thứ nhạc mà anh nửa thật nửa ẩn dụ là “âm nhạc từ thiên đàng.” Nó thường đến theo một dòng lũ các nốt nhạc, không có lấy một nhịp nghỉ, nhịp dừng, và anh phải tạo nên hình dạng và hình thể cho nó. (Khi anh nói điều này, tôi đã nghĩ đến Caedmon, nhà thơ người Anglo-Saxon thế kỷ thứ bảy, một gã chăn dê thất học người mà, theo như được kể lại, đã nhận được “nghệ thuật thơ ca” trong một giấc mơ vào đêm nọ, và dành quãng đời còn lại của mình ca tụng Chúa và sự sáng tạo (nên thế giới) bằng những bài thánh ca và thơ.)

Cicoria tiếp tục miệt mài chơi dương cầm và sáng tác. Anh đọc sách về ký âm và sớm nhận ra mình cần một giáo viên nhạc. Anh lặn lội đến những buổi hòa nhạc của các nghệ sỹ anh yêu thích, nhưng lại chẳng đoái hoài gì đến đám bạn chơi nhạc trong thị trấn anh ở hay các hoạt động âm nhạc diễn ra ở đây. Việc này giống như sự đòi hỏi được riêng tư giữa chính anh và nàng thơ của mình.

Tôi hỏi liệu anh có trải nghiệm các thay đổi khác kể từ khi sét đánh - một sự trân trọng mới với nghệ thuật chẳng hạn, hay một sở thích mới trong việc đọc sách, những niềm tin mới? Cicoria trả lời rằng anh đã trở nên “rất tâm linh” kể từ trải nghiệm suýt chết của mình. Anh đã bắt đầu đọc mọi cuốn sách anh có thể kiếm được về các trải nghiệm cận tử và về các cú sét đánh. Và anh đã tìm thấy “nguyên một thư viện về Tesla”, cùng với mọi thứ về sức mạnh khủng khiếp và đẹp đẽ của dòng điện cao thế.  Anh cảm giác đôi khi anh có thể thấy được những “vầng hào quang” ánh sáng hay năng lượng bao quanh những thân thể người - anh chưa từng thấy điều này trước khi sét đánh.

Vài năm trôi qua và cuộc sống mới của Cicoria, cảm hứng của anh, chưa bao giờ rời bỏ anh một khắc nào.  Anh tiếp tục làm việc toàn thời gian với tư cách một bác sỹ phẫu thuật, nhưng trái tim và khối óc anh giờ đây tập trung cho âm nhạc. Anh ly dị vào năm 2004, và cũng đúng năm đó đã gặp phải một tai nạn xe máy đáng sợ. Anh không nhớ gì về chuyện này cả, nhưng chiếc Harley của anh bị tông bởi một chiếc xe khác. Anh được tìm thấy trong một cái mương, bất tỉnh và bị thương nặng, với xương gãy, lá lách vỡ, một phổi bị thủng, các vết tụ máu ở tim, và các chấn thương đầu dù đội mũ bảo hiểm. Bị đủ chỗ như thế, nhưng anh đã hồi phục hoàn toàn và trở lại làm việc trong 2 tháng. Vụ tai nạn hay chấn thương ở đầu hay vụ ly dị đều dường như không thay đổi gì đến niềm đam mê chơi và sáng tác nhạc của anh.

Phần 2: https://linhnganguyen.com/musicophilia-chuong-1-set-danh-ngang-tai-tinh-yeu-bat-ngo-voi-am-nhac-phan-2/