Photo caption: Exploring the world together 🙂
Tiếp tục chủ đề “Làm sao để hạnh phúc?” đặt ra tuần trước, keyword cho phần tiếp theo hôm nay là “mind”. Nước sơn tốt rồi, quan trọng là gỗ cũng phải tốt chứ, đúng không? 🙂
Enrich your mind – Keep learning
Thử bắt đầu bằng một câu hỏi nhỏ nhé: Bạn thấy mình có giỏi không?
Tôi đoan chắc rằng bạn sẽ không trả lời ngay, mà thay vào đó sẽ tự đặt ra cho mình (hoặc cho tôi nếu chúng ta đang nói chuyện trực tiếp với nhau) hàng loạt những câu hỏi khác như: “thế nào là giỏi? đến mức nào là giỏi? giỏi về mặt nào?…“. Rồi bạn sẽ rà soát lại những gì mình tự tin nhất, như một môn học, một ngành nghề, một kỹ năng, một môn thể thao nào đó. Và chắc chắn, bạn sẽ chọn đánh giá khả năng bản thân trong một sự tương quan: hoặc với một người, một chuẩn mực chung, hoặc với chính mình:
Mình có giỏi hơn mình của ngày hôm qua không?
Nếu bạn tự hỏi bản thân câu trên, thì thật may, chúng ta bắt đầu bằng một điểm chung rồi đấy. Ai đã từng đọc qua cuốn “What I talk about when I talk about running” của Haruki Murakami, chắc chẳn sẽ nhớ đoạn đầu, khi ông kể về lý do chạy bộ:
“I’m much more interested in whether I reach the goals that I set for myself, so in this sense long-distance running is the perfect fit for a mindset like mine.
Marathon runners will understand what I mean. We don’t really care whether we beat any other particular runner. World-class runners, of course, want to outdo their closest rivals, but for your average, everyday runner, individual rivalry isn’t a major issue. I’m sure there are garden-variety runners whose desire to beat a particular rival spurs them on to train harder. But what happens if their rival, for whatever reason, drops out of the competition? Their motivation for running would disappear or at least diminish, and it’d be hard for them to remain runners for long.”
Khi quyết định bắt đầu một việc với mục đích đánh bại một cá nhân, hay một nhóm người, chúng ta đã tự đặt ra cho mình một giới hạn trên rồi. Cho dù đối thủ kia không bỏ cuộc như Murakami viết, thì một khi chiến thắng, bạn sẽ hạnh phúc được bao lâu? Suốt quãng đời còn lại, hay vài năm, hay vài tháng? Có lẽ là một thời gian khá dài vì ta phải cố gắng cực khổ đến hàng tháng hàng năm trời vậy mà?
Dan Ariely trong “The Upside of Irrationality” sẽ cho bạn một câu trả lời đáng thất vọng: niềm vui chiến thắng sẽ không kéo dài lâu đâu. Với đặc tính thích nghi nhanh chóng (đến mức kinh ngạc) của con người, bạn sẽ quen dần với cảm giác thoả mãn lâng lâng đó sớm thôi, và chỉ một thời gian ngắn sau bạn sẽ không còn hạnh phúc như bạn nghĩ mình đáng lẽ phải thế nữa. Lúc đó bạn sẽ làm gì? Từ bỏ một phần của cuộc sống mà bạn đã gắn bó bao lâu, một kỹ năng mà bạn đã trui rèn được, một chủ đề mà bạn đã đào sâu tìm hiểu tường tận, một thói quen tốt mà bạn đã luyện nên? Cuộc sống bạn bất ngờ trở nên vô nghĩa, lạc lối? CHỈ VÌ MỘT NGƯỜI KHÁC?
Tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều đó thật phí phạm, phải không?
Vậy, hãy bắt đầu làm một việc gì đó, chỉ đơn giản vì mình thích; và duy trì nó, chỉ đơn giản vì muốn mình của ngày hôm nay sẽ giỏi hơn ngày hôm qua, dù chỉ một chút xíu thôi. Bạn sẽ có động lực để phấn đấu mỗi ngày, không có một giới hạn trên nào có thể ràng buộc, chặn đứng bạn lại vì ngày mai chắc chắn bạn sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Những sai lầm, hạn chế ở hiện tại chắc chắn có thể được sửa chữa, nhanh hay chậm tuỳ vào bạn quyết tâm đến đâu.
Bạn soulmate gọi đó là growth mindset, và gửi cho tôi 1 bài báo đại ý nói rằng người có growth mindset, đối lập với fixed mindset, sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống, từ sự nghiệp đến đời sống tình cảm (Fixed vs. Growth: The Two Basic Mindsets That Shape Our Lives).
A “fixed mindset” assumes that our character, intelligence, and creative ability are static givens which we can’t change in any meaningful way, and success is the affirmation of that inherent intelligence, an assessment of how those givens measure up against an equally fixed standard; striving for success and avoiding failure at all costs become a way of maintaining the sense of being smart or skilled. A “growth mindset,” on the other hand, thrives on challenge and sees failure not as evidence of unintelligence but as a heartening springboard for growth and for stretching our existing abilities. Out of these two mindsets, which we manifest from a very early age, springs a great deal of our behavior, our relationship with success and failure in both professional and personal contexts, and ultimately our capacity for happiness.
Trong khi người có growth mindset theo đuổi việc học hỏi và tiến bộ, thì ngược lại, người mang fixed mindset lại khát khao được công nhận, được chấp thuận. Việc tìm kiếm một sự công nhận từ bên ngoài khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi, áp lực khi họ không được khen ngợi. Họ sẽ dễ né tránh hoặc thậm chí là dối trá khi làm sai điều gì vì sợ bị phán xét, chỉ trích. Tệ hơn nữa, vì sợ thất bại, họ sẽ ngại thử thách bản thân, ngại bắt đầu cái mới. Ngày tháng trôi qua với họ là những chuỗi dài của sợ hãi, đóng trong cái khung của những giới hạn họ tự đặt ra cho bản thân mình. Đáng sợ không kém, người mang fixed mindset sẽ đánh giá người khác (chẳng hạn như bạn đời của mình) liên tục bằng những bài test mà kết quả chỉ có đậu hoặc rớt. Bạn đời có lỗi sai ư, thôi xong! Họ sẽ mãi nhắc đi nhắc lại năm này qua năm nọ rằng họ đã cao thượng như thế nào mới chấp nhận bỏ qua cho bạn đời, rằng anh/cô liệu hồn mà để ý đấy. Chẳng chóng thì chày, cuộc tình của họ sẽ trở thành chuỗi những cuộc truy xét, dạy dỗ triền miên. Hạnh phúc trở nên điều gì xa vời vô tận.
Thế thì, bạn thuộc về đâu trong hai nhóm trên?
À, đặt câu hỏi theo một cách khác đi: Bạn chọn hạnh phúc hay khổ đau?
Nếu hạnh phúc là điều bạn chọn, thì hãy chọn cho mình thái độ tích cực, chọn cho mình growth mindset. Nghĩ xem mình thích điều gì và học thêm về nó. Không bao giờ là quá trễ để học hỏi. Tôi đã nói chuyện với những ông bà người Nhật 70 tuổi vẫn bắt đầu học tiếng Việt để sang Việt Nam làm việc. Tôi thấy ba má tôi hơn 60 tuổi vẫn đọc sách về tâm lý, về xã hội, vì “thế giới mỗi ngày một khác”. Còn bạn, hôm nay bạn đang học gì?
Tương tự như việc tập thể thao mà tôi đề cập trong post trước, mọi quá trình đến thành công đều cần đều đặn và bền bỉ. Việc đặt cho mình mục tiêu ngắn hạn (hàng ngày chẳng hạn) sẽ giúp quá trình dễ dàng hơn, và hoàn thành mỗi ngày khiến ta có có động lực cho ngày tiếp theo. Lấy tôi làm ví dụ chẳng hạn: mỗi ngày đặt mục tiêu đọc hết 1 chương sách (nên hôm nào đọc được 2 chương cảm giác rất sung sướng), mỗi lần chạy dài hơn 1 chút hoặc nhanh hơn 1 chút, mỗi lần vẽ sẽ sửa được một điều gì đó mà mình không vừa ý trong bức trước, mỗi ngày học thêm vài từ mới hoặc thuộc một điểm ngữ pháp vừa được dạy,… Chỉ riêng việc giữ cho mình thói quen bận rộn cũng đã mang lại cho tôi chút tự hào nho nhỏ khi mỗi ngày trôi qua không phải là một ngày lãng phí.
Chúng ta là những sản phẩm không hoàn hảo, nên luôn có mặt nào đó để cải thiện. Không có gì xấu hổ khi thừa nhận mình không tốt ngày hôm nay cả, nhưng thật đáng xấu hổ khi phát hiện mình hôm nay xấu xí y chang ngày hôm qua, đúng không?
Vậy thì, đọc xong note này nè, tắt cửa sổ này nè, bạn chọn hôm nay mình học thêm điều gì?