Tôi đã giật mình khi nghe đến lời giới thiệu cuối sách trên Audible của cuốn Fahrenheit 451 (451 độ F): bản quyền lần đầu tiên được ký năm 1953. Có điều gì nhầm lẫn ở đây hay tác giả Ray Bradbury là người có tài tiên đoán?
Những gì xảy ra trong cuốn sách "giả tưởng" những năm 50 lại vẽ nên bức tranh chân thực đến sống động của năm 2017: sách bị đốt bỏ, bị bức chết, mass media thống trị đầu óc con người. Họ không cần và cũng không muốn suy nghĩ, bởi những gì cần đọc từ sách thì nay đã được tóm lược trong các video clips ngắn ngủn. Họ không có cả thời gian để nghĩ vì tất cả mọi khoảng trống đều bị truyền hình lấp đầy. Con người bị bội thực thông tin, mà thực ra là bội thực với toàn những điều nhảm nhí, vô thưởng vô phạt. Còn sách á, nguy hiểm lắm, bởi:
"Một cuốn sách là một khẩu súng đã lên đạn sẵn bên nhà hàng xóm...Ai mà biết được người nào sẽ là mục tiêu tấn công của một gã đọc nhiều cơ chứ?"
"A book is a loaded gun in the house next door…Who knows who might be the target of the well-read man?”
hay bởi sách chỉ toàn mang tới những trăn trở, suy tư:
Giờ anh hiểu vì sao sách bị ghét bỏ và sợ hãi rồi chứ? Chúng trưng ra những cái lỗ chân lông trên bộ mặt của cuộc đời. Mà những người sống thoải mái, không ưu tư thì chỉ thích những bộ mặt như trăng non, không lỗ rỗ, không lông tóc, không có biểu hiện gì hết.
"So now do you see why books are hated and feared? They show the pores in the face of life. The comfortable people want only wax moon faces, poreless, hairless, expressionless."
hay cả buồn bã, khổ đau, sợ hãi:
Anh thấy chưa? Tôi biết mà, đó là những gì tôi đã muốn chứng minh. Tôi biết điều đó sẽ xảy ra mà. Tôi đã bảo suốt rồi, thơ văn đi với nước mắt, thơ văn đi với tự sát và khóc lóc và những cảm xúc tồi tệ, thơ văn đi với bệnh tật; tất cả những điều đó quyện lại với nhau. Giờ thì điều đó đã được chứng minh với tôi rồi. You see? I knew it, that's what I wanted to prove! I knew it would happen! I've always said, poetry and tears, poetry and suicide and crying and awful feelings, poetry and sickness; all that mush! Now I've had it proved to me.
Tôi đã rùng mình khi những lời văn vang lên trong tai như là chuyện kể về cuộc sống quanh mình, về những cậu bạn đột nhiên giở giọng triết lý sẽ bị cả đám hùa vào chễ giễu "đồ mọt sách, đồ hâm dở", về những cô bạn tự dưng đọc lên một câu thơ sẽ bị gán mác "sến sẩm", về những anh chị học nhiều bị giục đi kiếm tiền.
“With school turning out more runners, jumpers, racers, tinkerers, grabbers, snatchers, fliers, and swimmers instead of examiners, critics, knowers, and imaginative creators, the word ‘intellectual,’ of course, became the swear word it deserved to be.”
Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần phải sống chọn một trong hai kiểu: hoặc là introvert hoặc là extrovert. Dù là hướng nội hay hướng ngoại, có lẽ chúng ta đều cần phải ngừng lại đôi lúc, để nghĩ ngợi, để thật sự quan tâm đến một điều gì hay một ai đó. Nếu chúng ta không muốn sống chỉ một nửa đời người, tại sao lại chỉ yêu bằng nửa trái tim và nghĩ bằng nửa khối óc?
“We need not to be let alone. We need to be really bothered once in a while. How long is it since you were really bothered? About something important, about something real?”
Fahrenheit 451 là câu chuyện thức tỉnh của một người lính cứu hoả tên Guy Montag, người giữ nhiệm vụ truy lùng và đốt sách, thay vì dập lửa. Từ vài mẩu đối thoại ngắn với cô bé hàng xóm, Montag đã bắt đầu những truy vấn dữ dội với bản thân về ý nghĩa của công việc, của cuộc đời mình. Anh bắt đầu muốn đọc những cuốn sách anh lấy trộm một cách vô thức khi đi "đốt sách". Anh bắt đầu muốn hiểu những gì mình đọc. Anh bắt đầu nhận ra cuộc sống "bình thường" quanh mình thực ra quá nhạt nhẽo và bệnh hoạn. Anh bắt đầu phản kháng và bị chính thế giới bình yên giả tạo đó truy sát.
Đúng rồi, "đất nước hạnh phúc nhất thế giới" không chấp nhận những kẻ bất hạnh, những kẻ dám đặt câu hỏi truy xét nhà cầm quyền, những kẻ dám chỉ ra những lỗ hổng, những sai lầm. Tụi nó rặt là những kẻ phá hoại mà thôi.
Fahrenheit 451 kết thúc khi nhóm những người "giữ sách" (bằng cách học thuộc) sống sót và xây dựng lại thành phố trên đống đổ nát của một xã hội hời hợt, bạo lực, bị chiến tranh xoá sạch.
Tương lai xán lạn mở ra cuối truyện. Nhưng tôi thì buồn bã vô hạn vì cái thế giới hiện thực mình đang sống chỉ như đang ở giữa chừng sách mà chẳng bao giờ đến chương cuối. Hãy nhìn xem những Cộng đồng đọc sách tinh hoa lập ra để toàn những người vào khoe các tủ sách (mà không gì chứng minh họ đã đọc), những trang tóm tắt sách trong vài dòng, những video giúp "đọc sách" trong vài chục giây. Chúng ta "đọc" theo mốt, nói theo mốt, thậm chí gần đây còn thiền theo mốt. Phải down app về để thiền, thiền 5 phút 10 phút 20 phút lâu quá nên bây giờ app có cả thiền 30 giây.
Quảng cáo nhiều chữ không ai đọc nên giờ đang là cuộc chiến của video marketing. Kiến thức bác sỹ chuyên gia nói nghe thật dài dòng đau đầu nên mọi người đổ xô chăm con theo Webtretho, theo Yeutretho, theo kinh nghiệm truyền miệng của các mẹ các bố bỉm sữa. Bạn tôi làm bác sỹ, lâu lâu lại đăng bài phản biện các "mẹo vặt chăm con" nguy hiểm. Nhưng một mình bạn có chống lại được số đông lười biếng thích giật gân ghét chuyên gia hay không?
Fahrenheit 451 được đưa vào chương trình chính khoá của nhiều trường trung học Âu Mỹ, nhưng thật trớ trêu là bao nhiêu học sinh đã tìm đọc những bản tóm tắt tình tiết, những chi ghú sơ sài để thi qua môn. Tôi biết điều này khi đọc những bình luận về sách, thi thoảng một vài người nay đã 30-40 tuổi, nuối tiếc vì khi trẻ đã hời hợt coi qua.
Bạn ơi nếu như đang thấy mình đang vướng vào mid-20, mid-30, hay mid-life crisis, hay chỉ là một ngày thật nhàm chán, thì hãy chọn mua một cuốn sách thật hay, chọn một góc thật yên để đọc và suy ngẫm. Nếu chăng có quá bận rộn thì tìm đọc những cuốn súc tích thôi cũng được, như Nhà Giả Kim (The Alchemist), Thứ Ba với Morrie (Tuesdays with Morrie), Đi Tìm Lẽ Sống (Man Searching for Meaning), hay là 451 độ F này nè.
Và nếu được, khi đọc xong, hãy mang những sách này tặng cho một người nào mình thương yêu nha.