Thử thách mỗi tuần 1 cuốn sách của năm 2017 lại tiếp tục bị thất bại, chỉ được 37/52 cuốn. Lý do chính là vì mình quyết định đọc sách khoa học - tâm lý bằng tiếng Anh và thường ngâm tầm 3 tuần đến 1 tháng mới hết 1 cuốn hiuhiu.

Không biết có phải do sức ép thời gian và nhuận dịch thấp quá nên chất lượng sách dịch tiếng Việt có vẻ thấp, đặc biệt là sách phi hư cấu dạng best-sellers, đọc tới đọc lui không hiểu gì cả. Sai từ chuyên ngành nhiều, chưa kể dùng từ Hán Việt sai chỗ hoặc dịch chưa mượt mà. Truyện dịch trừ những cuốn siêu cổ điển, được các dịch giả cứng dịch hoặc được hiệu đính đi hiệu đính lại vài lần thì đỡ hơn, còn các truyện được xuất bản độ 3-4 năm trở lại đây thì tốt nhất là nên đọc ngôn ngữ gốc.

Nhưng tổng kết lại thì mình đã đọc được nhiều đầu sách hay trong năm 2017, vài cuốn mình sẽ đọc lại trong năm tới. Ở mảng phi hư cấu, mình đọc nhiều hơn về tâm lý - khoa học hành vi và khoa học thường thức - nuôi dạy con. Ở mảng hư cấu, mình tìm đọc tiểu thuyết kinh điển và truyện thiếu nhi. Năm 2017 mình hầu như không đọc về chính trị nữa vì hơi bế tắc với câu hỏi tương tự như đầu sách "The Righteous Mind": Tại sao ai/nước nào/mô hình chính trị nào cũng chính nghĩa nhưng lại họ đánh nhau? Thôi mệt, không nghĩ nữa đau đầu lắm, mình đi đọc sách tâm lý, sách parenting và tiểu thuyết thiếu nhi để còn tin và dạy con mình "Tại sao cây táo lại nở hoa. Tại sao rãnh nước lại trong veo đến thế" hihi.

Hổng dông dài nữa. Mục điểm sách bắt đầu! Sách nào in đậm là cực kỳ cực kỳ nên đọc. Mình xếp theo thứ tự yêu thích nhất đầu tiên cho mảng phi hư cấu và hư cấu, tiếng Anh trước tiếng Việt sau nha.

PHẦN 1: PHI HƯ CẤU

  1. Musicophilia: Tales of Music and the Brain (Oliver Sacks)
  2. Man’s Search for Meaning (Viktor Frankl)
  3. Sapiens: A Brief History of Humankind (Yuval Noah Harari)
  4. Misbehaving: The Making of Behavioral Economics (Richard Thaler)
  5. Surely You’re Joking, Mr. Feynman(Richard Feynman)
  6. The Righteous Mind: Why Good People Are Divided by Politics and Religion (Jonathan Haidt)
  7. Naked Economics: Undressing the Dismal Science (Charles Wheelan)
  8. Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking (Susan Cain)
  9. The Undercover Economist (Tim Harford)
  10. The Subtle Art of Not Giving a Fuck: A Counterintuitive Approach to Living a Good Life (Mark Manson)
  11. Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển)
  12. Cuộc cách mạng một cọng rơm(Masanobu Fukuoka)
  13. Để con được ốm (Uyên Bùi - BS. Nguyễn Trí Đoàn)
  14. Dạy con trong hoang mang (TS. Lê Nguyên Phương)
  15. a.Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo)
    b.ミニマリストの部屋づくり(おふみ)
  16. Khi hơi thở hoá thinh không (Paul Kalanithi)
  17. Akio Morita và Sony kiến tạo nền giải trí tương lai (Lê Nguyễn)
  18. Dốc hết trái tim - Cách Starbucks xây dựng công ty từ từng tách cà phê (Howard Schultz, Dori Jones Yang)

CẢM NHẬN NGẮN một vài ghi chú nhỏ của mình sau khi đọc sách. Các bạn có thể tìm thêm review và tóm tắt đầy đủ của tất cả các đầu sách này trên mạng ha.

  1. Musicophilia: Tales of Music and the Brain (Oliver Sacks) Hầu hết chúng ta đều có tình cảm với âm nhạc, vui cũng nghe nhạc mà buồn thì càng cần âm nhạc để chữa lành vết thương. Nhưng thực sự mối liên kết đó diễn ra như thế nào, liệu có phải ai cũng thích âm nhạc? Tại sao nhiều người khiếm thị có thẩm âm tuyệt đối (absolute pitch - nhận ra được ngay một âm thanh bất kỳ là nốt nào, chẳng hạn "My Papa Blows His Nose in G")? Âm nhạc có thể giúp chữa tự kỷ và chứng câm do tổn thương não như thế nào?... Oliver Sacks viết bằng giọng văn của một bác sỹ thần kinh hiền lành và kiên nhẫn. Cuốn sách rất nhiều từ chuyên ngành thần kinh, nhưng khá dễ đọc nhờ câu từ giản dị và cấu trúc mạch lạc. Đọc cuốn này xong mê luôn tác giả, mình tìm phim Awakenings dựa trên cuốn Awakenings của bác này, coi mà vừa cười vừa khóc vì cảm động quá, thương quá chừng.

  2. Man’s Search for Meaning (Viktor Frankl) Đúng như tiêu đề của sách, đây là câu chuyện của một bác sỹ Do Thái đã sống sót qua những trại tập trung của Đức Quốc xã như thế nào. Sống, thực sự sống, chứ không phải chỉ là hít thở và tồn tại. Sống bằng cách đi tìm ý nghĩa của cuộc đời mình và theo đuổi ý nghĩa đó đến cùng. Với tác giả, ý nghĩa đó là hoàn thành cuốn sách của mình. Sau khi ra khỏi trại, Viktor Frankl đã xây dựng học thuyết mới ngành tâm lý học: logotherapy - khác với trị liệu thông thường hướng đến đánh giá, lý giải hành động hiện tại bằng các sự kiện trong quá khứ (psychoanalysis), logotherapy truy vấn bệnh nhân về mục tiêu và ý nghĩa của cuộc đời để giải quyết vấn đề hiện tại. Vậy nên, nếu bạn cảm thấy mình đang bế tắc, cuộc đời sao mà bất công, thì hãy tự hỏi bản thân, chỉ một câu thôi: Lẽ sống của mình là gì?

  3. Sapiens: A Brief History of Humankind (Yuval Noah Harari) Cuốn sách nổi tiếng của năm, đặc biệt ở Việt Nam với bản dịch của Omega (do PR tốt quá thì phải hihi). Mình không rõ bản dịch đã hiệu đính mới phát hành lại thế nào, nhưng nghe bảo vẫn có nhiều sạn. Mình đọc bản tiếng Anh, xác nhận là ngôn từ câu cú dễ đọc dễ hiểu, mọi người nên tìm đọc bản gốc hơn. Sapiens thì đã nhận được quá nhiều nhận xét và tóm tắt rồi, nên mình không nói nhiều nữa hihi. Chốt một câu là nên đọc, đọc xong nên tặng cho càng nhiều người đọc càng tốt, hihi.

  4. Misbehaving: The Making of Behavioral Economics (Richard Thaler) Mình đọc cuốn này từ đầu năm, đến gần cuối năm thì ông tác giả nhận được Nobel Kinh tế vì đóng góp trong ngành kinh tế học hành vi. Misbehaving tổng hợp lại con đường mà ngành đã đi qua, một cách hóm hỉnh, với những mẩu chuyện cười ra nước mắt về sự phi lý trí của con người, nhất là của mấy ông kinh tế học chuyên vỗ ngực mình hành động lý trí. Sách kể về chuyện đánh nhau giữa phe hành vi và phe cổ điển, về chuyện Thaler đã cứng đầu bám trụ ở Chicago - sào huyệt của kinh tế học cổ điển như thế nào. Vui lắm, dày kiến thức và "đỡ thị thường" hơn mấy cuốn của Malcolm Gladwell nhiều :P

  5. Surely You’re Joking, Mr. Feynman (Richard Feynman) Mình nghe trên Audible, vui không tả nổi, toàn kiểu nằm một mình cười khùng khục rồi sằng sặc. Sách là tuyển tập tự truyện của nhà Nobel vật lý Feynman, từ những chuyện vui vui như ổng thành chuyên gia mở két sắt ra sao, chuyện đi học vẽ rùi bán đấu giá tranh được giá cao, đến những chuyện "đao to búa lớn" như Manhattan Project - dự án hạt nhân của Mỹ thời Thế chiến Hai, chuyện ổng trình bày học thuyết trước Einstein, chuyện ổng làm thẩm định đề án giáo dục ra sao. Mà trời ơi, ổng kể bằng giọng thư thả tếu táo như mấy ông ngồi uống trà rít thuốc lào chém gió vậy á. Bất ngờ nhất là nghe xong cuốn này nè, mình lại tình cờ đọc "Ông già trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất", giống như phiên bản hoạt hình của Feynman luôn, dễ thương xỉu~~~

  6. The Righteous Mind: Why Good People Are Divided by Politics and Religion (Jonathan Haidt) Cuốn này đọc dễ hiểu vì tác giả hình tượng hoá "lý thuyết" của mình, như Bản Năng - Lý Trí là Con voi - Người cưỡi, hay Các cảm xúc như là các vị mà mình thường thích nếm đầy đủ hơn là chỉ nếm mỗi vị ngọt ngào. Đọc cuốn này sau khi đọc "Cô gái Hà Nội mập mặc Burqua" là hợp nè, như kiểu cổ gào lên hỏi "Trời ơi sao họ đánh nhau chi zậy?" thì The Righteous Mind trả lời giùm cổ luôn. Xong còn hiểu là tại sao ở Mỹ trước giờ chiến dịch tranh cử của Đảng Bảo Thủ luôn thành công (hơn Đảng Dân Chủ) dù mình thấy Đảng đó đáng ghét dữ dội. Nhiều chuyện hay ho thú vị lắm, nên đọc cho những ai muốn thoát khỏi ao làng "định kiến" của mình nha.

  7. Naked Economics: Undressing the Dismal Science (Charles Wheelan) Cuốn sách kinh tế toàn chữ, không có lấy một cái biểu đồ, mà siêu dễ hiểu siêu hay. Ai không phải dân kinh tế, ghét số chán biểu đồ mà muốn hiểu "kinh tế là cái chi chi" thì cực kỳ nên đọc muốn ni. Mà, ai dân kinh tế, cũng nên đọc luôn vì tác gỉa viết dễ thương quá mà. Đặc biệt khuyến khích các em sinh viên kinh tế năm nhất, run sợ trước vi mô vĩ mô, hãy đọc đi rồi thi cuối kỳ sẽ rào rào 9-10 điểm hết hihi.

  8. Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking (Susan Cain) Sách viết về những đặc trưng của introverts - người sống nội tâm, khác với lầm tưởng của mọi người, là người không thích giao thiệp, chứ không phải không có khả năng xã giao. Bởi vậy trong một thế giới mà mọi người luôn cổ vũ phải hoà đồng, phải mạnh mẽ lớn tiếng, phải nổi bật, một thế giới của extroverts thì các introverts sẽ thấy mệt mỏi hơn, cô đơn hơn. Nhưng bù lại, introverts sẽ là người lắng nghe tốt hơn, đàm phán tốt hơn, và dễ được người extroverts tin cậy và chia sẻ hơn. Tóm lại, sách này đọc cho vui cũng được, các introverts đọc thì sướng hơn vì toàn là ca tụng mình thôi haha.

  9. The Undercover Economist (Tim Harford) Cũng là một cuốn sách tìm cách nói chuyện kinh tế học sao cho dễ hiểu và thú vị. Nhưng mình vẫn thích cuốn Naked Economics hơn.

  10. The Subtle Art of Not Giving a Fuck: A Counterintuitive Approach to Living a Good Life (Mark Manson) Nhiều người khen cuốn này quá trời, nhưng mình nghe trên Audible thì không chịu nổi vì chửi nhiều quá. Huhu, bình thường tui cũng đâu có thèm quan tâm thiên hạ nói gì đâu, nay đọc sách relax gì mà bị chửi phát căng thẳng mệt mỏi luôn. Ai đọc sách thay vì nghe audio book như mình thì có lẽ đỡ hơn, nhưng nói chung người mạnh mẽ phớt đời makeno thì không cần đọc cuốn ni cũng được. Ai mà không makeno được thì có đọc 10 lần cuốn ni chắc cũng không thay đổi gì được đâu hehe.

  11. Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển) Cuốn sách tiếng Việt hay nhất năm 2017 của mình. Cuốn sách Sử - Văn hoá hay nhất mình từng đọc trong đời. Lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách mà thấy cái giọng văn của người địa phương bàn chuyện địa phương trong đó. Bác Vương người Sài Gòn gốc Hoa, nói chuyện Sài Gòn-Chợ Lớn hồi xưa mà mình nghe khoái quá chừng, vì cái phong lưu, cái đĩnh đạc nho nhã của trí thức miền Nam, nó hiển hiện qua từng câu chữ. Ở Sài Gòn đâu được nửa năm nên nhớ khu này khu kia, tới lúc đọc sách mình như đi chơi từng ngóc ngách lại vậy. Mình tìm được cuốn này tình cờ thôi, một bản ebook đâu đâu trên mạng, mà xong trang đầu tiên thôi là ghiền luôn, mê mẩn. Đợt về VN tháng trước mình khuân nguyên bộ Vương Hồng Sển sang Tokyo, đợi 10 ngày nữa hết kỳ học, tha hồ nhâm nhi.

  12. Cuộc cách mạng một cọng rơm (Masanobu Fukuoka) Cuốn này mình thích lắm, đặc biệt là nửa đầu, nói về chuyện sống tự nhiên và làm nông tự nhiên. Mình đã viết bài review ở đây nè: Cuộc Cách mạng một cọng rơm - Triết học của nhà nông

  13. Để con được ốm (Uyên Bùi - BS. Nguyễn Trí Đoàn) Cuốn sách nuôi dạy con đầu tiên mình đọc, phá vỡ nhiều "huyền thoại" và "bài thuốc dân gian" phản khoa học trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Từ chuyện trẻ con thân nhiệt cao hơn người lớn nên hay thấy nóng, đến chuyện viêm họng không phải do uống đá, hay bị sốt virus không cần uống kháng sinh, hay bị cảm không cần phải ủ quá ấm,... Cả chuyện "đầu rùa" của các bé trai mà mình không hề có kiến thức gì, đến lúc đọc xong quay qua hỏi chồng thì chồng mới xác nhận là lúc bé ba mẹ cũng chẳng nói gì, để chồng tự xoay xở luống cuống lắm. Cho nên các mẹ ơi, nhất định phải đọc để quan tâm tư vấn cho con trai mình nhé!

  14. Dạy con trong hoang mang (TS. Lê Nguyên Phương) Cha mẹ và những người sắp làm cha mẹ CẦN đọc cuốn này, để chuẩn bị tâm lý cho mình và cho con được tốt hơn. Sách là những câu chuyện ngắn, về những chướng ngại trong tâm lý, trong quá khứ của bố mẹ, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và cơ thể con. Mình nghĩ trước khi dạy con kiểu Nhật kiểu Tây kiểu Tàu kiểu Isarel, trước khi dạy con thành thiên tài, nhạc sỹ, hoạ sỹ, nhà khoa học, thì mình cứ là người cha mẹ bình tĩnh, thấu hiểu trước đã.

  15. Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo) Sách vỡ lòng của người theo chủ nghĩa tối giản. Cuốn này cũng hay, nhưng rất tiếc mình lại đọc sau cuốn ミニマリストの部屋づくり (Cách dọn phòng của người theo chủ nghĩa tối giản) của Ofumi, được review tại đây. Marie Kondo viết hay, nhưng hơi nhiều chữ, giọng văn (của bản dịch tiếng Việt) khá cứng và có vẻ mệnh lệnh. Cuốn tiếng Nhật của Ofumi thì nhiều hình minh hoạ, dễ thương hơn, giọng văn đáng yêu. Với các bạn chỉ đọc được tiếng Việt hoặc Anh thì nên đọc cuốn của Marie Kondo để bắt đầu cuộc sống tối giản, còn ai đọc được tiếng Nhật thì tìm ngay sách của Ofumi nha.

  16. Khi hơi thở hoá thinh không (Paul Kalanithi) Nếu như Man's Search for Meaning nói về ý nghĩa của cuộc sống để cứu rỗi con người khỏi sự "tồn tại đau khổ", thì Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không nói về thái độ của con người trước cái chết, của người khác và của chính mình. Cuốn sách là hồi ký dang dở của Bác sỹ Paul Kalanithi những tháng cuối đời, khi chỉ hơn 30 tuổi. Chương cuối là lời kết thúc viết giùm bởi vợ anh, không còn giọng nhẹ nhàng sâu sắc như Paul nữa mà chỉ như một bản điếu văn ca tụng tưởng nhớ anh. Nhưng có lẽ chính cảm giác hụt hẫng khi đọc một tác phẩm hay không trọn vẹn đã làm cho độc giả cảm nhận rõ rệt nhất cái chết có thể đến nhanh và bất ngờ đến thế nào! Lưu ý một chút là bản dịch tiếng Việt chưa được trơn tru và thật hay theo cảm nhận của mình, các bạn nên tìm đọc bản gốc tiếng Anh nha.

  17. Akio Morita và Sony kiến tạo nền giải trí tương lai (Lê Nguyễn) Đọc để biết thêm về lịch sử Sony và thái độ làm việc của người Nhật. Sách do người Việt viết nên giọng văn trôi chảy hơn sách dịch.

  18. Dốc hết trái tim - Cách Starbucks xây dựng công ty bằng từng tách cà phê (Howard Schultz, Dori Jones Yang) Đọc để biết về lịch sử của Starbucks và những phương châm hay ho trong thời kỳ đầu của công ty. Nhưng đọc hết sách rồi mới thấy cuốn này mục đích PR là chính, vì có mùi "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", bởi những lời tuyên bố chắc nịch hồi đầu như không cà phê đóng sẵn bán ở siêu thị, không đồ uống linh tinh chế từ cà phê, về sau Starbucks đã làm ngược hết, với một excuse đơn giản "tìm được công nghệ chiết xuất vị cà phê hoàn hảo" hihi.