đi trek cần gì?

Ảnh z: nhóm mình trên đỉnh đèo Gió, đổ xuống từ đỉnh Bạch Mộc Lương Tử [credit: Nguyễn Khắc Giang]

Tình cờ thế nào đúng hôm facebook nhắc lại chuyện trekking khai xuân năm ngoái ở Bạch Mộc Lương Tử thì bé Trung Anh Nguyễn lại vào hỏi thăm kinh nghiệm chinh phục đỉnh này. Chia sẻ với em được 1 ít thì chợt nghĩ: tại sao mình không viết 1 post việc chuẩn bị cho trekking nhỉ? Thi thoảng các bạn gái hay vào nhờ tư vấn leo Fansipan, Bạch Mộc,… Tuy là khác nhau về địa điểm, về phương thức đi lại để đến điểm tập trung, về số ngày cần để chinh phục,…nhưng để chuẩn bị leo núi dài ngày thì chỉ có 2 vấn đề thôi: thể lực và vật dụng.

Vì mình thích đi trek (phần lớn nhờ chị Thảo Nguyễn inspired lúc ban đầu) và xác định đi nhiều lần nên khá đầu tư cho việc chuẩn bị. Kinh nghiệm trek thì không có nhiều, được mỗi cái đa dạng vì mình đã thử kha khá kiểu trek, từ book tour với công ty lữ hành (leo Fansipan 2 ngày), đến tự liên hệ porter để đi theo nhóm (leo Bạch Mộc 3 ngày), đến tự đi một mình từ đầu chí cuối (leo núi ở Hokkaido 4 ngày). Vậy nên trong post này, mình chỉ tóm lại những ý cơ bản nhất cho các chuyến trekking qua đêm trong rừng ở những course không quá khó, không phải đu dây, lội sông,… Đối tượng nhắm tới là các bạn nữ, chỉ đơn giản vì mình là con gái mà hehe.

Chuẩn bị thể lực thế nào để leo 2-4 ngày liên tục?

Chắc hẳn các bạn cũng đã thử leo núi, hoặc leo dốc vài tiếng liên tục như là leo chùa Hương, leo Yên Tử, leo núi Bà Đen, leo A Pa Chải, leo Bắc Sơn… Nhưng trek nhiều ngày thì khác lắm, vì sau ngày đầu tiên bắp chân thì mỏi, cơ đùi thì đau, hai vai thì ê ẩm do backpack, mà không được nghỉ, vẫn cứ phải lê bước tiếp mấy ngày nữa. Không biết các bạn dân thể thao có bị mệt vào cuối mỗi ngày không, nhưng dân nghiệp dư như mình thì oải lắm. Vậy làm sao để giữa chuyến đi không bị nản? Câu trả lời không gì khác ngoài: làm quen trước với những đau đớn 😉

  1. Walk the walk: tập đi bộ liên tục 4-6 tiếng hoặc 20-30km. Lý tưởng nhất cho các bạn vốn ít vận động là tập trước tối thiểu 1 tháng, đi bộ cách ngày, tăng dần từ 1-2 tiếng (ngày thường) và 3-4 tiếng (ngày cuối tuần). Ai vốn năng động, chạy nhảy, chơi thể thao các loại (chứ không phải tăng động nhé :P) thì chỉ cần tầm 10 ngày là ok. Đi như vậy giúp chân được làm quen với cảm giác mỏi, và dần dần tăng sức chịu đựng của cơ thể lên.
  2. Climb the stairs: chắc chắn là không có gì thay thế được long walk rồi, nhưng bạn cần phải làm quen với vertical gains (vì leo dốc mà, có những khi phải đi lên liên tục vài tiếng đồng hồ không có bất kỳ đoạn đổ xuống nào, đùi và bắp chân thì đau mà cứ phải căng ra vì đang lưng chừng dốc). Chạy bộ leo cầu thang là cách mình thích nhất vì tiện, sẵn có. Ai hay đi thang máy thang cuốn thì nay chuyển qua thang bộ, bắt đầu từ đi bộ nhanh rồi sau đó là chạy. Sợ đổ mồ hôi thì tập sau giờ làm việc. Lên tầm 100 tầng (10 vòng ở toà nhà 10 tầng) mỗi lần tập là trek vô tư 😉 Ngoài thang bộ, nếu bạn nào có thời gian đi gym thì đi bộ có incline trên treadmill hoặc kiếm cái dốc nào đó gần nhà mà chạy, vì thiệt ra đường trek nó hổng có từng bậc dễ như cầu thang đâu. Tập về thấy đau cơ quá thì nhớ đừng bỏ nha, ráng đi chân mới quen, chứ lúc trek thiệt có khóc giữa rừng thì cũng không ai cứu, không ai cõng về được đâu (chưa kể làm đoàn chậm lại sẽ bị mắng là bánh bèo vô dụng, nhục lắm :v)
  3. Carry the backpack: cho dù bạn có porter riêng đi nữa thì chắc chắn bạn vẫn phải mang 1 balo nhỏ để nước, snacks và máy ảnh. Nhưng trong thực tế, tụi mình thường phải tiết kiệm nên 1 porter chung cho mấy người để mang đồ quá nặng như lương thực, nước uống, lều. Khi đó, balo của bạn có ít nhất là quần áo cá nhân, túi ngủ loại dày, 2 lít nước, snacks, máy ảnh, điện thoại, sạc dự phòng, đèn pin,… lung tung xà beng, cộng lại cỡ 5-6kg là cái chắc. Mà đặc biệt con gái thường lại nhiều đồ đạc hơn con trai, vì áo quần trong phải mang mấy bộ chứ không chịu mặc dơ nè, rồi còn giấy ướt nè, hoá mỹ phẩm các loại nè,… Cho nên là, tập đi bộ mang balo nặng 5-7kg trước ở nhà nha, cho quen cảm giác vai cổ mỏi nhừ, và quan trọng nhất là rút kinh nghiệm xếp đồ sao cho hợp lý, chỉnh dây thế nào là vừa vặn,…

Vì mình đang hướng tới độc giả là các bạn nghiệp dư, lần đầu leo núi dài ngày, nên đặc biệt muốn nhắn nhủ: đừng vội vàng trong việc tập luyện. Nếu bạn dồn lại tập quá nặng trong 1 tuần trước ngày trek, thì không tránh khỏi nguy cơ đến ngày lên đường, bạn vẫn còn đau cơ, chưa kể là đau ống chân, đau khớp gối, thậm chí là các chấn thương nặng hơn. Nhấn mạnh lần nữa: nếu bạn không chơi thể thao hàng ngày, thì phải tập đều đặn liên tục ít nhất 1 tháng để cơ thể thích nghi dần dần. Trekking chủ yếu là sức bền, độ dẻo dai chứ không phải sức mạnh, kiểu cường độ cao trong một quãng ngắn đâu nhé.

Rồi, tập luyện đã đời rồi, rốt cuộc cũng sắp đến ngày lên đường. Cần mang những gì đây?Câu thần chú khi pack đồ là:

If you can trek without it, leave it home

Giờ lấy balo ra, nhét đồ vô 6-7kg, cầm lên chắc chắn bạn sẽ buột miệng: trời ơi răng nhẹ ri? Nhưng chớ chủ quan, leo dốc một lúc là balo trên vai sẽ nặng dần trĩu dần, đến một lúc mình sẽ muốn vứt hết đồ bên trong cho nhẹ. Vậy nên để khỏi vứt ở rừng, thì thôi để lại ở nhà ngay từ đầu vậy 😉 Với mình thì những vật dụng tối quan trọng của chuyến trek dài ngày bao gồm:

  1. Backpack: Về dung tích, mình thích balo tầm 40 lít, vì nó dài, ôm theo phần lưng mình. 56 lít thì to quá với khổ người con gái, còn 32 lít thì bé, nhét đồ vào sẽ dồn thành 1 khối bự tròn, kéo mình về phía sau, đặc biệt nguy hiểm khi leo dốc. Về chi tiết kỹ thuật, nhớ chọn loại có dây vai êmđai hông. Đai trợ lực ở phần hông sẽ đỡ khối lượng balo khỏi trì vào vai gây mỏi vai và cổ (bạn thử mang balo không đai trợ lực 1-2kg đi liên tục 1 ngày xem, vai cổ mỏi nhừ là cái chắc hehe). Bên cạnh đó, đai hông, cùng đai ngực giúp balo ôm vào người, tạo thành một khối chuyển động cùng nhau, không bị lắc lư tuột quai bên này bên kia, đặc biệt hữu dụng khi phải leo đá đu cây nghiêng bên này ngả bên kia. Kinh phí dư dả thì mua loại chống thấm nước, không thì mua thêm bọc áo mưa cho balo là ổn, an tâm đi trong trời sương hoặc mưa bay bay. Cách pack đồ thì như hình minh hoạ:


    Đai trợ lực ở ngực và hông cực kỳ hữu ích luôn. À, balo size 32 lít như thế này là chỉ trek trong ngày thôi nhé :)

  2. Giày trek: đế gai, cổ cao và chống thấm nước. (1) Đi trek đường đất đá bùn lầy, không có bậc thang lại còn siêu trơn trượt. Nếu giày không có đế gai, su không mòn, độ bám tốt thì bạn cứ trượt suốt, nhẹ thì mỏi vì tốn sức nhiều hơn, nặng thì trượt chân xuống vực. Đợt đi Fansipan, có cặp cùng đoàn khoe mua đôi sneakers xịn $100 để đi trek, sau 2 ngày nát be bét nên tiếc lắm. Mình thì nghĩ thầm thật may vì cặp này an toàn trở về; với $100 đó thì mua được đôi giày trek tạm ổn rồi còn gì. (2) Chớ dại mua giày cổ thấp ngang mắt cá nhé, dù loại này siêu rẻ siêu phổ biến ở Việt Nam, nhìn nhẹ nhàng dễ thương nữa chứ. Nhưng khi đi leo núi, đặc biệt là lúc đổ dốc, cổ giày cao sẽ giữ cho bàn chân không đổ về mũi giày gây đau (thối) móng chân. Hơn nữa, trong quá trình trek, giày cổ cao còn giúp cổ chân không bị lật nếu chẳng may vấp đá/hụt chân. (3) Giày chống thấm nước thì chắc chắn là đắt (~$150) so với giày thường (~$50-70), nhưng làm sao tránh được trời mưa, được vũng lầy, được những đoạn băng sông suối nước lấp xấp bàn chân? Mình đã 2 lần nhảy đá nhưng trượt chân xuống nước, may mà nước không vào bên trong giày, chân vấn ấm áp khô ráo. Chỉ cần chân lạnh là sức sẽ xuống thảm hại, chưa kể cảm lạnh, sốt,…

    Giày trek của mình ở vườn quốc gia Daisetsu-zan (Hokkaido, Nhật Bản). Mình đã tự đi theo trekking trail từ Ginsendai (1500m) đến Kogen Onsen (1800m) băng qua các đỉnh Akadake (2078m), Koizumidake (2158m) và Midoridake (2019m)

  3. Vì mình hay trek đầu mùa xuân hoặc mùa thu nên trời lạnh nhưng không cóng đến mức băng tuyết. Packing list của mình cho các lần đi đều tương tự như packing list cho Inca Trip này nè. Lưu ý (1) mình không recommend giày như trong hình nhé; (2) tất, mang thật nhiều tất. Tất thấm mồ hôi thì sẽ ướt, sẽ lạnh, rừng lại ẩm không thể phơi khô cho dù là mùa hè đi nữa. Chân ướt sẽ lạnh, sẽ yếu, sẽ gục. (3) bra thể thao, áo thun cotton thoáng mát cổ tròn 2-3 cái vì sẽ ướt, phải thay hàng ngày. (4) áo khoác chỉ cần 1 lớp phao ở trong 1 lớp khoác gió chống thấm nước ở ngoài. Lúc trek nóng thì thường sẽ bỏ lớp phao ra, nhưng tối ngủ lạnh mang vào ngủ cho ngon, có sức hôm sau nhé. (5) nên mặc 1 lớp legging thật mỏng ở trong và quần gió chống nước ở ngoài. (6) khăn choàng cổ, tiện dụng vì có thể nới lỏng hoặc thắt chặt cho ấm tuỳ lúc. Tuyệt đối không nên mặc áo cổ lọ vì lúc nóng khó xử lý. Tuyệt đối tránh áo len vì nặng mà không ấm. (7) xịt côn trùng, kem chống nắng, salonpas gel và thuốc các loại, nên chia đều ra nếu đi cùng đoàn, còn nếu đi 1 mình thì chịu khó vậy ^^; (8) snacks các loại: ưu tiên các thanh năng lượng, chocolate bar như Snickers,… để nạp năng lượng nhanh và không quá nặng. Và cuối cùng (9) túi ngủ tuỳ theo mùa, nhưng thu đông xuân thì cứ mua loại dày nhất, lên cao hơn 3000m đêm lạnh lắm. Đoàn Fansipan đợt trước mỗi mình ngủ ấm nhất nên sáng hôm sau tươi tỉnh phết (Mang toàn bộ áo ấm, tất tay tất chân, mũ len, khăn cổ, khăn đa năng che mũi, rồi chui vào túi ngủ dày nữa mà). Gợi ý là áo heat-tech tay dài, quần legging heat-tech và tất cao cổ heat-tech  của Uniqlo là must-have items mỗi khi mình đi trek luôn đó.


    khi đứng lại trời lạnh thì mặc áo phao dày vào. Lúc đó trên người mình có 4 lớp: áo lót 3 lỗ kèm bra, áo thun heat-tech tay dài của Uniqlo, áo khoác gió mỏng 1 lớp của the NorthFace, và áo phao dày nhưng siêu nhẹ của Mizuno. Quần thì 2 lớp: lớp bông phía trong và dù bên ngoài.

    Lúc trek nóng và nắng lên nên cho áo phao dày vào balo. Ai thích mặc áo thun như anh Hoàng cũng được, nhưng nhất định phải có áo thun tay dài hoặc mang bao tay che kín vì đi rừng nhiều côn trùng nhé

Vậy đó, việc chuẩn bị cho chuyến trek về cơ bản chỉ có bi nhiêu thôi 😉 Chỉ cần để ý kỹ lưỡng 1 chút, cộng với tinh thần tự lực cánh sinh không phụ thuộc vào ai (đừng bánh bèo expect người khác chăm sóc giúp đỡ) là chuyến đi chắc chắn sẽ rất tuyệt với. Bonus em Trung Anh 1 tấm ở Bạch Mộc nè, năm nay lạnh hy vọng là lúc em đi vẫn có cánh hoa đỗ quyên trải thảm dưới chân 😉!