Tôi lật giở những trang cuối cùng của cuốn sách trong kindle, nghĩ ngợi một lúc rồi ngước lên hỏi bạn soulmate:
- Anh nè, những đứa trẻ chẳng phải là chịu bất công ngay từ khi chưa được sinh ra hay sao? Từ đầu đến cuối là cha mẹ được lựa chọn xem có sinh hay không, rồi sinh ra thì có gửi nhà trẻ hay không, rồi cho con cái chơi với nhóm bạn nào,... Tụi nó đã không được lựa chọn sinh ra, không được phát triển tự nhiên theo ý mình, mà lớn lên còn phải chịu trách nhiệm báo hiếu, đền đáp, làm vui lòng cha mẹ. Tại sao vậy? Giờ nếu mình sinh con thì chẳng phải là quyết định ích kỷ của mình hay sao?
Bạn nhìn tôi bối rối rồi trả lời:
- Anh không biết nữa. Mình cứ cố gắng làm những điều tốt nhất thôi. Mà chính xác là em sợ điều gì?
- Em sợ mình bất công với con cái, mà vốn dĩ từ đầu đã bất công cho tụi nó rồi. Em muốn những đứa trẻ được sống tự nhiên, nhưng lại sợ rồi tụi nó sẽ thành những cây bụi hoang dại bò xoà loà dưới mặt đất, không phát triển được hết tố chất tiềm tàng, không trở thành cây gỗ vươn cao cứng cáp được.
- Mà tự dưng sao em lại nghĩ đến những câu hỏi này?
-Em thi thoảng nghĩ đến lâu rồi, nhưng vừa đọc xong trong sách câu "Tại sao con được sinh ra trên đời vậy ạ? Để đi nhà trẻ sao?" Ừ, tại sao mà mình được sinh ra, và tại sao mà các ông bố bà mẹ lại quyết định sinh con vậy hả anh?
Bạn dừng làm việc, gấp máy tính. Và câu chuyện "triết học" của chúng tôi bắt đầu, bên tách brewed coffee ở chiếc bàn con con cao cao nhìn ra ga tàu điện Shin-Tsudanuma đông đúc một chiều mùa đông nhiều gió.
Kỳ lạ lắm phải không, một cuốn sách về trồng lúa trồng rau trồng cam quýt lại đẩy ta đến những truy vấn dữ dội về sự sống cái chết, về ý nghĩa của cuộc đời. Liệu những hiểu biết của chúng ta về thế giới, những điều chúng ta gọi là "khoa học" đúng bao nhiêu phần trăm? Sau hàng ngàn năm "văn minh", chúng ta đã bước được khỏi hang tối chưa, hay vẫn luôn là những kẻ "nhìn hình bắt bóng" như Plato miêu tả.
Càng làm khoa học, tôi càng tin rằng chẳng khó khăn gì để những kết quả nghiên cứu từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội bị thiên lệch bởi một ý chí, một định kiến nào đó một cách vô thức. Liệu có đúng như tác giả Masanobu Fukuoka viết, rằng con người đã phá vỡ thể thống nhất của tự nhiên và tạo ra một mớ rắc rối cho mình, cái này kéo theo cái khác, và khoa học thì tưởng như cứu rỗi loài người nhưng thực chất chỉ là liều thuốc gây tê hời hợt ngắn hạn. Giống như một post cũ nào đó trên facebook anh Nguyễn Đức Thành (mà mình không tìm lại được) về nền kinh tế dựa trên nỗi sợ hãi, chẳng phải chúng ta đang gieo rắc lo âu để kiếm lời bằng những "bài thuốc giảm đau" hay sao? Các hãng mỹ phẩm quảng cáo bằng đoạn phim về người phụ nữ mặt mộc thua thiệt trong xã hội. Các hãng sữa quảng cáo bằng hình ảnh đứa trẻ thấp bé gầy gò yếu ớt lọt thỏm trong đám bạn, làm toán chậm chạp, đi thi điểm thấp. Các hãng thuốc quảng cáo cụ bà xương khớp rã rời không bước nổi, hay cụ ông ho khan khó thở suốt đêm, hay chị em "rau mùi" bị chồng xa lánh, hay ông chồng "bất lực" bị vợ chán chường. Thậm chí hãng bột nêm còn quảng cáo người mẹ người chị bị chê trách vì nấu canh không được đậm đà.
Cứ như vậy, chúng ta bị cuốn trong những nỗi sợ hãi vô hình, những nỗi thống khổ do chính mình tạo ra; mà theo "lão nông" Fukuoka, chúng ta chỉ có thể chữa tận gốc các căn bệnh của mình một khi sống tôn trọng và thuận theo tự nhiên.
Thi thoảng tôi tự đặt cho mình những câu hỏi phản bác lại "quy luật xã hội":
- Tại sao trẻ con phải điểm tốt, làm toán nhanh, IQ cao, trả lời nhoay nhoáy, miệng mồm khéo léo? Có gì sai ở một đứa trẻ ít nói, lầm lì, thích ở một mình vẽ vời hay hí hoáy "bẻ chân bẻ tay" con búp bê để xem có gì bên trong?
- Tại sao phụ nữ lại có "thiên chức làm mẹ"? Phụ nữ không muốn làm mẹ có được không?
- Tại sao đàn ông lại phải là trụ cột gia đình, là điểm tựa của vợ con? Tại sao không phải là hai vợ chồng cùng tựa vào nhau?
- Tại sao phải phân biệt con trai thế này và con gái thế khác? Con trai thích màu hồng và con gái thích màu xám thì sao? Con trai thích chơi búp bê và con gái thích chơi ô tô, chơi trống thì sao? Con trai rửa bát nấu cơm dọn dẹp nhà cửa còn con gái sửa xe mắc điện nối ống nước lắp bàn ghế thì sao?
- ...
Tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm được những điều cốt lõi trong cuộc đời mình một khi không ngừng đặt câu hỏi về những "chuyện hiển nhiên" xung quanh như vậy, như hiệu trưởng James Ryan của Harvard Graduate School of Education đã chia sẻ trong bài diễn văn 5 Essential Questions in Life tại lễ tốt nghiệp của trường năm 2016. Những phân loại, định nghĩa, lề thói,... một khi không còn được đặt câu hỏi, được tra vấn, vận động, thì sẽ trở thành một khung thép cứng nhắc được đan bằng những sợi giáo điều, lý thuyết rỗng tuếch, bó buộc con người dưới danh "trách nhiệm", "văn hoá", "truyền thống".
Dù cho rằng Fukuoka trong "Cuộc cách mạng một cọng rơm" có vẻ khá cực đoan trong ý tưởng rằng tất cả mọi người đều làm nông (theo kiểu nông nghiệp tự nhiên) thì xã hội sẽ hạnh phúc, tôi đồng ý với ông ở chủ đề xuyên suốt của cuốn sách: con người nên sống hoà mình vào tự nhiên, vì dù có tự cho mình siêu việt bao nhiêu thì chúng ta cũng vẫn là một phần tử nhỏ bé trong tự nhiên bao la vô định này thôi.
Có một điều tôi đã học được sau những năm sống tại Nhật, đó là cảm thức mùa sâu sắc. Mùa xuân ngắm hoa đào, ăn cam. Mùa hè ngắm pháo hoa, ăn dâu tây, đào, lê, dưa hấu, hay rủ nhau đi ăn cơm lươn nướng. Mùa thu ngắm lá vàng lá đỏ, thưởng thức hồng giòn ngọt lịm. Mùa đông trốn rét trong nhà, ngắm tuyết rơi ngoài ô cửa sổ, ăn trái quýt để phòng cảm hay nướng bánh nếp mochi ăn kèm chè đậu đỏ nóng khói nghi ngút. Con người vì thế mà nhạy cảm hơn với thiên nhiên, biết ngắm một bụi hoa ven đường hay lặng người một nhịp trước một chiếc lá vàng rơi bay bay trong gió thu.
Fukuoka muốn người làm nông trồng nông sản theo mùa đúng như tự nhiên phải thế. Tôi nghĩ chúng ta phải chăng cũng nên ăn uống theo mùa? Mùa hè hẵng ăn sầu riêng, mùa thu hẵng mong chờ bưởi chín. Chẳng phải chính lòng tham những thức quà đặc trưng cho mùa phải sẵn có quanh năm mà ta bị đẩy đến nơi niềm tin vỡ vụn như bây giờ hay sao?
Và chẳng phải chính lòng tham lam ích kỷ rằng mọi vật, mọi người xung quanh phải theo ý muốn chủ quan của mình mà chúng ta đang huỷ hoại thiên nhiên và huỷ hoại lẫn nhau hay sao?
Chi bằng năm mới tới, ta bắt đầu tập đối đãi với người, với tự nhiên bằng tấm lòng nguyên sơ. Lắng nghe người, lắng nghe thiên nhiên, tự khắc ta sẽ nghe được những thanh âm hạnh phúc rộn ràng trong lòng mình.
[ảnh cover: https://gaiadergi.com/dogal-tarimin-babasi-masanobu-fukuoka/]